Tiền Giang xây dựng vùng trồng chuyên canh sầu riêng chất lượng cao gắn với giải quyết đầu ra ổn định. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN |
Cai Lậy là huyện có thế mạnh phát triển tiềm năng kinh tế vườn quả, hình thành vùng chuyên canh với sản lượng lớn, hướng tới xuất khẩu. Nhiều loại trái cây nổi tiếng của địa phương được thị trường ưa chuộng: sầu riêng, mít Thái siêu sớm... Địa phương đầu tư kiện toàn cơ sở hạ tầng, đê bao ngăn lũ bảo vệ sản xuất, tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi từ trồng lúa năng suất bấp bênh sang vườn chuyên canh cây ăn quả đặc sản với hiệu quả cao về kinh tế. Đây cũng là cơ sở thuận lợi hình thành vùng trồng sầu riêng xuất khẩu trên 8.800 ha lớn nhất tỉnh với sản lượng hàng năm trên 200.000 tấn quả cung ứng thị trường trong ngoài nước. Tỉnh công bố nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp cho Hội Làm vườn huyện Cai Lậy. Từ đầu năm đến nay, huyện Cái Bè trồng được thêm trên 3.200 ha vườn quả đặc sản, nâng tổng diện tích vườn hiện có tại địa phương lên trên 19.500 ha, vượt 15,43% so kế hoạch năm 2019. Cái Bè cũng là "quê hương" của trái xoài cát Hòa Lộc đặc sản. Loại trái cây này được Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) lựa chọn phục vụ khách hàng trên các chuyến bay. Từ đầu năm đến nay, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam tiêu thụ trên 3.000 kg xoài cát Hòa Lộc và gần 2.700 kg bưởi da xanh Tiền Giang phục vụ khách hạng thương gia trên các chuyến bay. Xoài cát Hòa Lộc được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch tới thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, EU… Huyện Cái Bè là địa phương đi đầu về chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật mới để thâm canh, nhằm đạt năng suất và sản lượng cao, chất lượng tốt phục vụ nhu cầu thị trường, đạt ngưỡng an toàn và truy xuất nguồn gốc. Huyện triển khai Đề án chuyển đổi giống xoài cát Hòa Lộc – bưởi lông Cổ Cò giai đoạn 2016 – 2020; trong đó, hỗ trợ trên 10.600 cây giống xoài cát Hòa Lộc tốt cho các xã vùng chuyên canh: Tân Thanh, An Thái Trung, Hòa Hưng, Mỹ Lợi A…trên diện tích trồng gần 43 ha. Địa phương hỗ trợ trên 19.000 cây giống bưởi lông Cổ Cò kèm chuyển giao kỹ thuật thâm canh gần 140 nông hộ trên diện tích canh tác khoảng 60 ha tại các vùng chuyên canh: Đông Hòa Hiệp, Mỹ Lợi A, An Thái Trung… Địa phương triển khai Dự án “Hỗ trợ phát triển nhãn Idor liên kết theo chuỗi giá trị” tại 2 xã trọng điểm là Hòa Khánh và Hậu Thành trên tổng diện tích 23,5 ha và 61 hộ dân hưởng lợi, cung cấp khoảng 5.000 cây giống nhãn Idor tốt kèm chuyển giao kỹ thuật thâm canh, quy trình canh tác cụ thể đến bà con. Cùng với quy hoạch xây dựng vùng chuyên canh trồng cây xoài cát Hòa Lộc, huyện Cái Bè thành lập được HTX xoài cát Hòa Lộc nhằm tập hợp nông dân, sản xuất theo tiêu chí GlobalGAP, liên kết chuỗi giá trị, giải quyết tốt đầu ra cho nông sản hàng hóa. Theo khảo sát của ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, lợi nhuận từ vườn quả đặc sản tại các huyện vùng ngập lũ trước đây cao gấp 5 – 10 lần so với thu nhập từ trồng lúa năng suất cao. Từ cách làm này, nhiều xã thuần nông nghèo khó, căn cứ kháng chiến đầy khó khăn thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở hai huyện vùng lũ đầu nguồn sông Tiền phát triển kinh tế - xã hội bền vững và giảm nghèo khu vực nông thôn. Huyện Cai Lậy có 10/15 xã đạt tiêu chí và ra mắt xã nông thôn mới. Năm 2019, huyện Cái Bè đặt mục tiêu ra mắt thêm 5 xã nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt tiêu chí và ra mắt xã nông thôn mới lên 15/24 xã.
Minh Trí