Phát triển và tạo dựng thương hiệu quế Trà My

Phát triển và tạo dựng thương hiệu quế Trà My
Trên đỉnh núi Ngọc Linh có khu rừng quế cổ thụ trên 100 năm tuổi, được đồng bào dân tộc Cà Dong gìn giữ từ bao đời nay. Khu rừng quế cổ thụ không chỉ cho thu hoạch lượng tinh dầu cao, chất lượng mà còn cung cấp hạt giống dồi dào với nguồn gen bản địa quý, hiếm, làm tăng độ che phủ rừng và giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Cây quế là loài thân gỗ, có tên khoa học là Cinnamomum cassia, phân bố chủ yếu dọc theo sườn Đông dãy Trường Sơn, nhất là ở phía Bắc Trung bộ từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, với nhiều loài như quế thanh, quỳ, quảng, bì… Cây quế trưởng thành có thể cao trên 15m, thân cây tròn đều, vỏ ngoài màu xám, hơi nứt rạn theo chiều dọc. Quế ra hoa vào tháng 4, tháng 5 với từng chùm hoa, có màu trắng hay phớt vàng, quả chín vào tháng 1,2 năm sau.  Cây quế có bộ rễ phát triển mạnh, rễ cọc cắm sâu vào lòng đất, vì vậy quế có khả năng sinh sống tốt trên các vùng đồi núi dốc.

Trong các bộ phận của cây quế như vỏ, lá, hoa, gỗ, rễ đều có chứa tinh dầu, đặc biệt trong vỏ quế có hàm lượng tinh dầu cao nhất, có khi đạt đến 4 - 5%. Tinh dầu quế có màu vàng, thành phần chủ yếu là Aldehyt Cinamic chiếm khoảng 70 - 90%. Tinh dầu quế là một vị thuốc quý được dùng nhiều trong Đông y và Tây y, có tác dụng làm tăng tuần hoàn máu, gây co mạch, tăng bài tiết, gây co bóp tử cung, sát trùng, chữa đau bụng, đi tả. Hiện quế Trà My được gọi là “cao sơn ngọc quế”, được ưa chuộng, có giá trị cao so với các loại quế khác, nên trên thị trường giá bán mỗi kg quế Trà My loại khô, dạng kẹp là 60.000 đồng/kg.  

Để bảo tồn và phát triển cây quế Trà My, năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quy hoạch và phát triển cây quế Trà My đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quảng Nam đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển và ổn định vùng nguyên liệu với diện tích trồng cây quế Trà My đạt 7.777 ha; trong đó trồng mới 4.017 ha quế; đến năm 2030 diện tích trồng quế đạt 10.000 ha.

Theo đó, huyện Nam Trà My là chủ lực trong 4 địa phương của tỉnh Quảng Nam quy hoạch phát triển cây quế, với diện tích hiện có là 2. 641 ha, trồng mới khoảng 3.000ha. Thực hiện quy hoạch này, huyện Nam Trà My đã xây dựng Đề án đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây quế, với diện tích hơn 2.864ha. Đề án sẽ được triển khai tại 10/10 xã, trong đó 3 xã Trà Mai, Trà Leng và Trà Dơn chiếm 1.888 ha.

Giống quế được huyện chọn trồng là giống quế gốc Trà My, với mục tiêu đến năm 2020, nâng tổng diện tích trồng quế toàn huyện lên 6.000 ha (2.796 ha tập trung và 3.206 ha phân tán), có hơn 2.500 ha vùng chuyên canh. Hàng năm sẽ cung ứng ra thị trường hơn 3.600 tấn vỏ quế  và 16.000 tấn cành, lá, nhánh để phục vụ cho nhu cầu chế biến sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chưng cất tinh dầu. Toàn bộ sản lượng quế thu hoạch nằm trong vùng Dự án sẽ cung cấp cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh, các cơ sở chế biến quế nhỏ lẻ và các thương lái trong, ngoài tỉnh.

Nhằm quản lý phát triển, mở rộng vùng chuyên canh quế, bảo tồn nguồn gen quý, tạo nên hệ sinh thái đa dạng về thành phần loài, giữ vững vốn rừng hiện có, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng ở địa phương, tỉnh Quảng Nam đề ra một số giải pháp như: Hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến để nâng cao chất lượng và sản phẩm quế. Tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My thực hiện chính sách ưu đãi về vốn vay và thuế cho các tổ chức cá nhân đầu tư phát triển quế Trà My; giao khoán quản lý, bảo vệ rừng quy hoạch trồng quế dưới tán rừng nghèo; khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cây trồng lâm nghiệp hiệu quả thấp sang trồng quế; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thu hái, bảo quản hạt giống và ươm tạo cây giống.

Huyện cũng sẽ khen thưởng những hộ nông dân sản xuất sản phẩm quế giỏi, đồng thời phát triển và quảng bá thương hiệu quế Trà My ở thị trường trong, ngoài nước. Cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng sản phẩm quế trong lưu thông, tiêu thụ, gắn tem nhãn, bao bì cho sản phẩm quế; triển khai các đề tài khoa học nghiên cứu về chất lượng tinh dầu quế Trà My, góp phần bảo tồn nguồn gen bản địa.
 
Thu Trang

Có thể bạn quan tâm