Phát triển bền vững nghề nuôi tôm ở ven biển tỉnh Ninh Bình

Phát triển bền vững nghề nuôi tôm ở ven biển tỉnh Ninh Bình
Mô hình nuôi thuỷ sản ở Kim Sơn. Ảnh: Đức Lam - Báo Ninh Bình
Mô hình nuôi thuỷ sản ở Kim Sơn. Ảnh: Đức Lam - Báo Ninh Bình

Theo số liệu của UBND huyện Kim Sơn, năm 2015, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của địa phương là 3.065,04 ha, tập trung ở 3 xã Kim Hải, Kim Đông và Kim Trung. Diện tích nuôi thả vụ 1 là 2.115,04 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến là 1.926,19 ha và diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp, bán công nghiệp là 188,85 ha. Với diện tích nuôi trồng trên, số tôm giống đưa về vùng nuôi là 165 triệu con (tôm sú là 85 triệu con và tôm thẻ chân trắng là 80 triệu con). Tổng sản lượng thủy sản của toàn huyện năm 2015 đạt trên 14.700 tấn; trong đó, tôm sú là 300 tấn, tôm rảo 200 tấn, tôm thẻ chân trắng 220 tấn, còn lại là thủy sản khác như cua, ngao… 

Năm 2016, huyện Kim Sơn tăng cường huy động, thu hút nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững. Đồng thời, mở rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, khuyến khích phát triển thêm diện tích nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2016 của huyện là 2.115,04 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến là 1.965,04 ha (mật độ thả giống chủ yếu từ 5-7 con/m2) và diện tích nuôi tôm thẻ công nghiệp, bán công nghiệp là 150 ha (mật độ thả giống chủ yếu từ 40 - 60 con/m2). Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng thủy sản toàn huyện đạt 14.779 tấn. Trong đó, tôm sú là 315 tấn, tôm rảo là 199 tấn và tôm thẻ chân trắng là 220 tấn. Ngoài thu nhập trực tiếp từ hoạt động nuôi trồng, hiện nay, hàng chục nghìn người dân ở vùng ven biển huyện Kim Sơn có việc làm và thu nhập ổn định từ các dịch vụ cung ứng vật tư, cung ứng sản phẩm, thu gom thủy sản… 

Trên diện tích 4.500m2, gia đình anh Hồ Sỹ Thanh, xóm 1, xã Kim Đông, huyện Kim Sơn đầu tư hàng trăm triệu đồng để cải tạo, nâng cấp ao nuôi và mua máy móc phục vụ nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Tại khu vực nuôi trồng, anh Thanh phân chia thành các ao lắng, ao nuôi khác nhau được sắp xếp khoa học và hợp lý. 

Anh Thanh phấn khởi cho biết, vụ vừa qua anh thả 18 vạn tôm sú và 10 vạn tôm thẻ chân trắng. Đến nay, anh đã thu hoạch 3 tấn tôm thương phẩm và dự kiến sẽ thu hoạch thêm 4 tấn, thu về khoảng 1,5 tỷ đồng. Anh Thanh cho biết: “Hơn 90% người dân ở khu vực ven biển huyện Kim Sơn sống bằng khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản. Tiềm năng đối với nghề nuôi trồng thủy sản; trong đó, có nuôi tôm ở Kim Sơn là rất lớn. Hiện đầu ra của tôm thương phẩm rất ổn định, chủ yếu là ở thị trường miền Bắc. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trồng, đầu tư thêm máy móc, mở thêm ao nuôi”. 

Từ năm 2004, UBND huyện Kim Sơn đầu tư xây dựng Khu nuôi tôm công nghiệp Kim Trung. Đến nay, khu nuôi này vẫn duy trì và đem lại hiệu quả kinh tế tương đối cao cho người nuôi . Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng và phát huy hơn nữa hiệu quả của khu nuôi tôm công nghiệp, UBND xã Kim Trung cho biết, thời gian tới sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng phương án sản xuất, quản lý phù hợp hơn. Đồng thời, nhân rộng mô hình thực nghiệm đạt kết quả cao, bảo đảm điều hành về thời vụ nuôi thả, giống, thức ăn, dịch vụ điều hành sản xuất, tập huấn kỹ thuật và quản lý sử dụng ao lắng, ao thải đúng thiết kế của mô hình Khu nuôi tôm công nghiệp Kim Trung. 

Hàng năm, để giúp người nuôi tôm nắm vững kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ngay từ đầu năm Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình) cùng với UBND huyện Kim Sơn ban hành kế hoạch về sản xuất, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện cho từng năm. Đồng thời, cử cán bộ hướng dẫn người nuôi cải tạo ao, đầm, rắc vôi bột để tránh vi khuẩn độc hại gây nấm bệnh cho tôm. UBND các xã vùng ven biển khuyến khích hợp tác xã nông nghiệp mở rộng dịch vụ nạo vét, vệ sinh hệ thống kênh mương dẫn và thoát nuớc cung cấp cho các đầm nuôi tôm.
 
Ảnh minh họa - Báo Nhân Dân
Ảnh minh họa - Báo Nhân Dân

Ngoài ra, khâu quan trọng nhất trong nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng là con giống. Hiện địa phương vẫn chưa sản xuất được giống tôm nên phải nhập nguồn giống chủ yếu từ các tỉnh miền Trung và Nam Bộ như Đà Nẵng, Nghệ An, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Bình Thuận… Chính vì thế, Chi cục Khai thác nguồn lợi thủy sản phối hợp UBND huyện mở nhiều lớp huấn luyện nghiệp vụ kiểm soát chất lượng tôm giống đối với các hộ hành nghề kinh doanh cung ứng con giống, buộc họ phải cam kết cung cấp con giống bảo đảm chất lượng. Đồng thời, thành lập các tổ kiểm tra, kiểm soát chất lượng giống tôm, chủ động phối hợp với cơ quan có liên quan trong công tác quản lý chất lượng giống đưa vào vùng nuôi và ký cam kết đối với 19 hộ kinh doanh dịch vụ giống tôm yêu cầu thực hiện các quy trình về quản lý, kinh doanh, vận chuyển giống tôm vào vùng nuôi. UBND ba xã Kim Hải, Kim Đông và Kim Trung khuyến khích các hợp tác xã nông nghiệp hỗ trợ cung cấp con giống ổn định, đảm bảo cho người nuôi. 

Ông Phạm Văn Thùy, Phó Trạm trưởng Trạm Thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình) cho hay, hàng năm, Trạm Thủy sản luôn tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi trọng điểm với tần suất 1 lần/tuần. Kết quả quan trắc được thông báo trên hệ thống đài truyền thanh để người nuôi tôm chủ động trong việc chọn thời điểm lấy nước, thả giống phù hợp. Ngoài ra, để hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi, Trạm Thủy sản tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền, phổ biến lịch thời vụ đến người nuôi tôm nhằm giúp người nuôi kiểm tra, chọn tôm giống sạch bệnh, chăm sóc và quản lý tốt môi trường ao nuôi. 

Ông Thùy cũng cho biết, tập trung đầu tư phát triển các vùng nuôi tôm hàng hóa nhằm tăng năng suất trên một đơn vị diện tích, giảm thiểu dịch bệnh là một trong những hướng đi trong thời gian tới của ngành nuôi trồng thủy sản huyện Kim Sơn. 

Những kết quả đạt được của nghề nuôi tôm tại 3 xã bãi ngang của huyện Kim Sơn đã khẳng định hướng đi đúng của chủ trương phát triển kinh tế biển của địa phương và mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, giúp nhiều hộ dân xóa đói, giảm nghèo. Điều này cũng góp phần mang đến sự ổn định bền vững cho ngành nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Ninh Bình nói chung.

Có thể bạn quan tâm