Nằm ở cực Nam đất nước, Cà Mau sở hữu nhiều tài nguyên du lịch độc đáo, khác biệt. Biến tài nguyên thành sản phẩm du lịch mang tính cạnh tranh cao, thời điểm này, trong bối cảnh cùng cả nước ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, du lịch Cà Mau cũng nhìn nhận, đánh giá lại những thế mạnh để vừa vượt khó vừa sẵn sàng cho sự phát triển, bứt phá trong thời gian tới. Nội dung này được nhóm phóng viên TTXVN phản ánh qua hai bài viết với chủ đề: Phát triển bền vững du lịch nơi cực Nam đất nước.
Bài 1: Dấu ấn trên bản đồ du lịch Việt Nam
Là vùng đất chứa đựng nhiều nét đẹp hoang sơ cùng giá trị lịch sử, văn hóa trong hơn 300 năm hình thành và phát triển, đối với lĩnh vực du lịch, Cà Mau không chỉ là một điểm đến, mà còn là địa chỉ cho những khám phá, trải nghiệm mang lại nhiều cảm xúc qua mỗi chuyến đi của du khách.
Đa dạng hệ sinh thái cùng những giá trị nhân văn
Nói về tiềm năng, sự khác biệt của du lịch địa phương, ông Trần Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: Là một trong bốn tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau sở hữu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Khu Ramsar thế giới), gắn với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - thuộc hệ sinh thái rừng ngập mặn có diện tích tự nhiên khoảng 42.000 ha, Vườn Quốc gia U Minh Hạ - thuộc hệ sinh thái rừng ngập ngọt diện tích 8.286 ha, rất thuận lợi đầu tư phát triển du lịch sinh thái.
Tiềm năng của rừng, biển và hệ sinh thái động vật, thực vật phong phú, trên 200 loài thủy sản của hệ sinh thái mặn, lợ, ngọt, hàng chục loài thực vật ngập mặn điển hình, hỗn giao giữa đước, vẹt, mắm và một số loài khác... đã hình thành cho miền đất này sự đa dạng sinh học, đa dạng môi trường sinh thái.
Không chỉ có hệ sinh thái rừng ngập ngọt, ngập mặn, Cà Mau còn có những sản phẩm du lịch nhân văn gắn với đặc trưng riêng của con người vùng sông nước đất mũi, với nhiều công trình, di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh gắn với quá trình hình thành, xây dựng và phát triển vùng đất, con người, sông nước Cà Mau.
Đặc biệt, tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển có cụm công trình Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ là biểu tượng đầy ý nghĩa của Đất Mũi Cà Mau, thể hiện truyền thống luôn hướng về cội nguồn dân tộc. Tại đây còn có biểu tượng Cột cờ Hà Nội mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền, khát vọng hòa bình, ấm no và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, là biểu tượng của niềm tự hào thống nhất non sông trên dải đất hình chữ S hướng ra Biển Đông thiêng liêng của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Cà Mau Tiêu Minh Tiên, góp phần làm nên sức hút cho du lịch địa phương còn có nét văn hóa bản địa, di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như, nghệ thuật đờn ca tài tử, nghề gác kèo ong, nghề làm mắm ba khía cùng đặc sản ẩm thực đã được Tổ chức kỷ lục quốc gia công nhận: Cua Năm Căn, lẩu mắm U Minh nằm trong top 100 món ăn đặc sản Việt Nam hay đặc sản tôm khô Cà Mau và mật ong rừng U Minh được xếp trong top 100 đặc sản quà tặng của Việt Nam.
Sản phẩm mang tính khám phá và trải nghiệm
Là vùng đất gợi nhiều cảm xúc thiêng liêng cho du khách khi đến tham quan, khám phá, các sản phẩm du lịch của Cà Mau đã và đang được hoàn thiện, khai thác theo hướng chú trọng hoạt động trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu về nét văn hóa bản địa, địa danh mang dấu ấn lịch sử.
Theo nhiều chuyên gia du lịch, đây là hướng đi đúng của du lịch Cà Mau. Bởi lẽ, chính từ những hoạt động du lịch mang tính trải nghiệm, khám phá sẽ mang lại cho du khách giá trị gia tăng trong mỗi chuyến du lịch như, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, địa lý, văn hóa và góp phần tạo nhiều điểm nhấn, tạo dựng thương hiệu du lịch Cà Mau.
Đơn cử, khám phá hệ sinh thái rừng ngập ngọt trong khu vực vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Hạ với điểm đến là Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc được nhiều du khách tìm đến, trải nghiệm. Nhiều công ty du lịch đã thiết kế, đưa vào chương trình tour hoạt động trải nghiệm theo chân người thợ gác kèo ong đi lấy mật ở tổ ong (người dân ở đây thường gọi là “đi ăn ong”) ở vùng rừng U Minh.
Giám đốc Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt Phạm Duy Khanh cho biết, là thợ gác kèo ong, giờ đây anh vừa kết hợp làm nghề vừa phát triển du lịch sinh thái. Anh rất tự hào khi nghề gác kèo ong được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Du khách khi đến khu du lịch sinh thái này sẽ được tìm hiểu, trải nghiệm về nghề gác kèo ong, được giới thiệu về từng công đoạn, cách thức gác kèo, tức là tạo “nhà” cho ong về làm tổ, sinh sống trong rừng tràm. Tận mắt thấy bộ kèo cho ong về làm tổ và được nghe người thợ gác kèo kể về tập tính của loài ong mật thường chọn làm tổ ở những thân cây nghiêng như kèo nhà, sau đó cùng đi thu hoạch mật, với nhiều du khách đó là khám phá, trải nghiệm rất có giá trị.
Cũng theo anh Phạm Duy Khanh, để trải nghiệm hoạt động thu hoạch mật ong ở vùng U Minh Hạ, du khách được hướng dẫn tỉ mỉ về dụng cụ cho một chuyến đi thu hoạch mật như đuốc xơ dừa có tác dụng làm cho ong bị say khói, để hạn chế bị ong "tấn công”, dao cắt mật, thùng chứa mật… Với tấm lưới bảo hộ trùm qua đầu, nhiều du khách từ chỗ ban đầu có chút hồi hộp, lo lắng sau đó đã rất hào hứng đến Khu du lịch Mười Ngọt nhiều lần và ở lại để cùng thợ gác kèo ong đi thu hoạch mật, tham gia vắt mật ong và mua về làm quà.
Không chỉ có những trải nghiệm với hệ sinh thái rừng ngập ngọt, đến Cà Mau, khách du lịch còn có những khám phá độc đáo tại điểm du lịch gắn hệ sinh thái rừng ngập mặn với các cánh rừng đước trải dài ở Năm Căn, Ngọc Hiển… Điểm du lịch cộng đồng Đất Mũi của gia đình ông Nguyễn Văn Nhuần (thường gọi là Tư Nhuần) ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, là một trong những điểm du lịch sinh thái cộng đồng đã được công nhận ở Cà Mau.
Ông Tư Nhuần cho biết: Trên 9 ha rừng ngập mặn, trồng đước, mắm và nuôi thủy sản, ông đã tạo dựng không gian hợp lý để đón khách với những nhà sàn trên mặt nước, sàn gỗ, lợp lá. Đến đây, du khách vừa nghỉ ngơi, thư giãn, tham quan rừng đước, vừa thưởng thức món hải sản tươi sống đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm hoạt động câu cá, đi soi bắt ba khía, câu cá, bắt ốc len, sò huyết... Đặc biệt, với tuyến xuyên rừng, du khách còn được tham quan bãi bồi, rừng nguyên sinh, quan sát các loài động vật sinh sống dưới tán rừng ngập mặn.
Chị Hồ Thu Hằng, du khách đến từ huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) chia sẻ, tới Cà Mau không chỉ một lần, chị đã có nhiều trải nghiệm mới mẻ ở vùng đất này. Chị đã cùng thợ gác kèo ong đi thu hoạch mật. Chị rất thích thú khi cầm trên tay tấm tàng ong vừa thu hoạch với những chú ong ruồi còn đang say khói, được nếm thử chút mật ong hoa tràm tinh khiết ngay tại vùng đất U Minh Hạ cùng đặc sản ẩm thực do chính nông dân làm du lịch chế biến như gỏi ong non, mắm ong, ong tẩm bột chiên giòn, ếch đồng kho, lẩu chua cá lóc đồng... Còn khi đến tham quan rừng ngập mặn ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, chị cùng bạn lại có trải nghiệm hấp dẫn khác như, đi soi bắt ba khía trong đêm, bắt cá thòi lòi - loài cá có thể bò lên cạn và leo cây ở rừng đước Cà Mau. (Xem tiếp Bài 2: Vượt khó, sẵn sàng cho bước phát triển mới).
Thanh Trà - Kim Há - Minh Hưng