Theo UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Cà Mau phấn đấu có ít nhất 5 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đạt 5 sao và 90 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao; trong đó, địa phương sẽ chú trọng việc dựa vào các sản phẩm đó để xây dựng và phát triển các mô hình du lịch như: du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng...
Để thực hiện tốt chương trình giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng nguồn lực đầu tư cho chương trình OCOP thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện chương trình, nhất là cấp cơ sở, chủ thể.
Ngoài ra, địa phương sẽ kiến nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP. Theo dự kiến, nguồn kinh phí để thực hiện giai đoạn này là hơn 302 tỷ đồng; trong đó vốn chủ thể tham gia là hơn 102 tỷ đồng.
Cũng theo UBND tỉnh Cà Mau, trong năm 2020, địa phương có 33 sản phẩm được công nhận, chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 30 sản phẩm đạt 3 sao. Hầu hết các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm. Đặc biệt, hầu như các đặc sản nổi tiếng của Cà Mau như cua, tôm, ba khía… đều có mặt.
Nhiều nhất là các sản phẩm từ tôm như bánh phồng tôm (38% tôm), bánh phồng tôm (tôm sú), bánh phồng tôm (tôm đất), tôm khô, tôm rang, chà bông tôm, tôm khô sinh thái, tôm xẻ, tôm khô tách vỏ,... Bên cạnh đó là các sản phẩm cua như cua sinh thái, cua biển Năm Căn... Ngoài ra, còn một số loại cũng được xem là đặc sản ở Cà Mau như cá khô bổi, ba khía muối, chả cá phi, dưa bồn bồn, bánh phồng hàu…
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua hơn hai năm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm đã góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo tư duy mới, góp phần quan trọng phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, chương trình mỗi xã một sản phẩm sẽ tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nông dân, dần thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hình thành các liên kết sản xuất, mở rộng quy mô và xây dựng các hệ thống sản phẩm chủ lực của địa phương.
Hơn nữa, kinh tế hộ nông thôn sẽ chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Đây còn là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện, đồng thời đưa thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Để cụ thể hóa các mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tất cả cán bộ, đảng viên và người dân hiểu rõ mục đích, yêu cầu của Chương trình OCOP. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài để huy động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia thực hiện.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, chương trình OCOP là chương trình không thể thiếu cho sự thành công của chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, Chương trình OCOP phải lựa chọn sản phẩm đặc trưng của từng vùng, từng địa phương đáp ứng yêu cầu trong nước và mục tiêu xuất khẩu...
Huỳnh Anh