Để vùng cực Nam Tổ quốc không chỉ là một điểm đến

Để vùng cực Nam Tổ quốc không chỉ là một điểm đến
Khách tham quan Khu du lịch Mũi Cà Mau. Ảnh: Kim Há - TTXVN
Khách tham quan Khu du lịch Mũi Cà Mau. Ảnh: Kim Há - TTXVN
Du lịch dần khởi sắc

Du lịch Cà Mau đã và đang phát triển đúng hướng. Cơ sở lưu trú phát triển, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành ngày càng nhiều hơn, lượt khách tăng hằng năm từ 12 - 14%. Thống kê của ngành Du lịch Cà Mau qua các năm cho thấy, lượng khách du lịch đến thăm vùng đất Mũi năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2017, tỉnh đón trên 1,2 triệu lượt khách, tăng 61,29% so với năm 2010 (trung bình mỗi năm tăng 7,67%). Doanh thu du lịch năm 2017 tăng gấp 3,5 lần so với năm 2010, đặc biệt giai đoạn 2015-2017 doanh thu tăng vọt. Năm 2018, Cà Mau đã đạt con số trên 1,4 triệu lượt khách, tăng 16% so cùng kỳ năm 2017, doanh thu đạt 2.200 tỷ đồng.

Đến nay, Cà Mau xác định có ba tuyến du lịch chính gồm: Cà Mau - Vườn Quốc gia U Minh Hạ - Hòn Đá Bạc; Cà Mau - Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm; Cà Mau - Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - Khu Du lịch Đất Mũi. Đường bộ phát triển và kết nối, cùng với sự hình thành của 4 khu du lịch, 14 điểm du lịch sinh thái cộng đồng, thu hút ngày càng đông khách tham quan, khám phá.

Viên gạch đầu tiên cho sự chuyển mình của vùng Đất Mũi hiện nay từ khoảng 5 năm trước, khi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng do Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (Tổ chức SIDA - Thụy Điển) tài trợ để hình thành làng du lịch Cồn Mũi, Lạch Vàm. Từ đó, hầu như ngày nào, điểm du lịch của gia đình ông Nguyễn Văn Nhuần (ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) cũng có du khách vào ra. Ông Nguyễn Văn Nhuần chia sẻ, những hộ dân tham gia làm điểm du lịch sinh thái cộng đồng đều có 5-9 ha rừng - tôm. Một phần nhỏ dành nuôi thủy sản thâm canh để chủ động phục vụ du khách có ý muốn tự tay đánh bắt, phần còn lại người dân dùng để nuôi quảng canh tự nhiên, dựa vào thiên nhiên như cách nuôi tồn tại bao đời qua. Các sản phẩm này dùng để phục vụ cho du khách mỗi lần dừng chân tại đây.

Ông Phan Quốc Khải, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cho biết, theo thống kê, lượng khách nội địa và quốc tế đến với Vườn Quốc gia hàng năm đều tăng. Nếu như lượng khách từ những năm 2013-2015 chỉ vào khoảng từ hơn 60.000-90.000 lượt, hiện nay không dưới 300.000 lượt khách mỗi năm. Du khách đến với Mũi Cà Mau không chỉ tìm về với vùng đất mang nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử khi có cột mốc GPS 0001, được ví như mũi tàu của cả nước mà còn bởi các sản phẩm du lịch nơi đây ngày càng đa dạng, phong phú, đặc biệt là mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.

Ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng là loại hình du lịch chủ đạo, tạo đột phá cho du lịch của tỉnh Cà Mau. Do vậy, trên cơ sở Quyết định số 744 ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030 và theo Chương trình phát triển tổng thể du lịch Cà Mau giai đoạn 2005 - 2010 và định hướng đến năm 2020, tỉnh Cà Mau đang tập trung triển khai thực hiện các quy hoạch bảo tồn, phát triển Khu Du lịch sinh thái rừng ngập mặn Mũi Cà Mau và Khu Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ; phát triển du lịch cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc, Bãi bồi Khai Long...

Dù đã thu được nhiều kết quả khả quan nhưng theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, Cà Mau chỉ mới “khai sáng” khoảng 3 năm nay, nhất là khi có đường Hồ Chí Minh đến Đất Mũi. Hàng loạt những khó khăn, cản trở phát triển du lịch vẫn còn tồn tại, do đó du lịch Cà Mau mới ở dạng sơ khai. Ông Trần Văn Hiện, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau nhìn nhận, Cà Mau có lợi thế rất lớn, những địa danh với đặc thù riêng biệt không nơi nào có được, luôn khơi gợi và thôi thúc mọi người một lần đặt chân đến tham quan, khám khá, làm cho môi trường du lịch tại địa phương phát triển sôi động. Tuy nhiên, thực tế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Để Cà Mau không chỉ là một điểm đến

Thực tế, du lịch Cà Mau còn khá thô sơ, thiếu chuyên nghiệp, chưa tạo được dấu ấn, điểm nhấn để du khách ở lại và trở lại. Bà Nguyễn Thanh Tuyền, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Cà Mau chia sẻ, so với các địa phương khác trong khu vực, du lịch Cà Mau phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; trong đó, sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Công tác quảng bá, giới thiệu du lịch chưa có chiến lược cụ thể, chậm đổi mới, chưa tập trung vào thị trường mục tiêu và hoạt động du lịch còn mang nặng tính tự phát mà thiếu đi tính liên kết.

Theo Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù khả năng thu hút khách nội địa của Cà Mau tăng cao nhưng thị trường khách du lịch quốc tế còn hạn chế, lượng khách tăng chưa nhiều qua các năm. Cụ thể, năm 2017, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đón 2,8 triệu lượt khách quốc tế nhưng Cà Mau chỉ đón được 25.000 lượt khách, chiếm chưa đến 1% lượng khách của khu vực.
 
Nằm trong khuôn viên Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Cà Mau), đây là vườn chim nhân tạo độc nhất vô nhị duy nhất của cả nước có vị trí nằm trong lòng thành phố với diện tích khoảng 31.550 m2. Ảnh: Kim Há - TTXVN
Nằm trong khuôn viên Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Cà Mau), đây là vườn chim nhân tạo độc nhất vô nhị duy nhất của cả nước có vị trí nằm trong lòng thành phố với diện tích khoảng 31.550 m2. Ảnh: Kim Há - TTXVN

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, các địa phương trong tỉnh còn thiếu chủ động xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, mô hình du lịch cộng đồng, thành lập hợp tác xã dịch vụ du lịch. Hạ tầng giao thông bộ đến các khu, điểm du lịch còn nhiều khó khăn, chưa đảm bảo cho phương tiện vận chuyển khách du lịch của các công ty lữ hành tiếp cận, làm ảnh hưởng đến việc kết nối sản phẩm du lịch với du khách. Các địa phương chưa có chính sách ưu đãi cụ thể trong đầu tư du lịch, từ đó chưa thu hút được các dự án du lịch trọng điểm, làm động lực phát triển du lịch. Lực lượng lao động ngành Du lịch nhưng chưa qua đào tạo hiện chiếm trên 50%, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động du lịch của tỉnh.

Trước hàng loạt những nút thắt cần được tháo gỡ ngay, lãnh đạo ngành Du lịch tỉnh Cà Mau chia sẻ, để phát triển du lịch Cà Mau bền vững cần gắn kết chặt chẽ các yếu tố phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, giữ gìn sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội... Đặc biệt, ngành Du lịch Cà Mau quan tâm phát triển thị trường khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.

Ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm bằng một số cơ chế, chính sách cụ thể và thông thoáng nhằm thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực du lịch. Trong đó, tỉnh có chính sách ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng, cho thuê đất ổn định lâu dài đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh, thân thiện môi trường. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch sinh thái tại khu vực Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khu vui chơi giải trí quy mô lớn phục vụ phát triển du lịch ở Cà Mau.

Song song đó, tỉnh chú trọng xây dựng một số chính sách ưu đãi đầu tư đối với những địa bàn khó khăn về điều kiện hạ tầng nhưng có tiềm năng lớn để phát triển sản phẩm du lịch, phát triển du lịch: Cộng đồng, biển đảo, nông nghiệp và làng nghề truyền thống. Ngoài ra, tỉnh thực hiện quy hoạch bố trí dân cư, phát triển ngành nghề phù hợp trên các tuyến du lịch; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch biển đảo, du lịch nông nghiệp, làng nghề truyền thống...

Ông Trần Văn Hiện cho rằng, những tồn tại, khó khăn trong phát triển du lịch của tỉnh đang rất cụ thể, rõ ràng nhưng để tháo gỡ bằng cách nào, từ đâu thì vẫn là câu chuyện dài. Tới đây, tỉnh sẽ sơ kết Nghị quyết 04/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến 2030. Trên cơ sở đó, tỉnh chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác này hơn trong thời gian tới. Dự kiến tại kỳ họp cuối năm nay, HĐND tỉnh sẽ ban hành nghị quyết, thực hiện các vấn đề liên quan, tháo gỡ và tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Cà Mau, với vị trí là vùng đất nơi cực Nam Tổ quốc, đồng thời nằm trong hành lang phát triển kinh tế phía Nam của Chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mê Kông mở rộng, có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á. Hy vọng, trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa của nền kinh tế, “ngành công nghiệp không khói” của Cà Mau có thể phát huy hết tiềm năng, không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên mà ở đó còn mang đậm cái tình của người dân nơi vùng cực Nam Tổ quốc.
Huỳnh Anh
TTXVN

Có thể bạn quan tâm