Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp vùng Tây Nguyên tiếp cận và tham gia sâu rộng vào thị trường thế giới. Cơ hội từ các Hiệp định thương mại, nhất là các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP và EVFTA giúp thúc đẩy các dòng thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ.
Thời gian qua, nhiều nông sản của Tây Nguyên đã vươn ra thế giới, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc phát triển cây trồng ở Tây Nguyên đang gặp nhiều hạn chế, thách thức như người dân còn tình trạng chặt - trồng tự phát dẫn đến nỗi lo phá vỡ quy hoạch, việc ồ ạt trồng cây theo giá cả thị trường dẫn đến nguy cơ “cung vượt cầu” và nhiều rủi ro về đầu ra sản phẩm, chưa có nhiều chế tài hoặc cơ chế chính sách khuyến khích về trồng và sản xuất theo quy hoạch...
Để phát triển nông nghiệp bền vững, vấn đề cấp thiết hiện nay là làm tốt quy hoạch, xây dựng vùng trồng gắn với chuỗi sản xuất để tạo ra nền nông nghiệp an toàn, chất lượng, minh bạch và trách nhiệm. Nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam khu vực Tây Nguyên thực hiện chùm 3 bài “Phát triển bền vững cây ăn trái xuất khẩu ở Tây Nguyên” nhằm đánh giá thực trạng và giải pháp trong phát triển nông sản xuất khẩu vùng Tây Nguyên.
Bài 1: Ồ ạt phát triển “nóng”
Vùng Tây Nguyên có hơn 5 triệu ha đất nông nghiệp; trong đó có 1,3 triệu ha đất đỏ bazan. Đây là lợi thế giúp vùng Tây Nguyên trở thành trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước. Hiện nay, dù có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực như sầu riêng, chanh leo..., song nông dân Tây Nguyên còn sản xuất tự phát, thiếu sự liên kết, chạy theo giá cả thị trường nên ồ ạt phát triển “nóng”.
Tùy tiện sản xuất
Ngày 17/9/2022 là thời điểm đáng nhớ của người trồng sầu riêng trên khắp cả nước, đánh dấu sự kiện hơn 100 tấn sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc - thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, mở ra cơ hội lớn cho ngành hàng sầu riêng của Việt Nam. Đi cùng với niềm vui chung, thời gian qua, nông dân các tỉnh Tây Nguyên ồ ạt mở rộng diện tích trồng sầu riêng.
Sầu riêng là loại trái cây “vua” đã đem lại nguồn thu nhập vượt trội so với các loại cây trồng khác ở Tây Nguyên từ nhiều năm nay. Đặc biệt, từ năm ngoái, trái sầu riêng tươi của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tỷ dân đã làm giá loại trái cây này tăng dựng đứng, có lúc lên gần 200 nghìn/kg. Lợi nhuận hàng tỷ đồng trên một héc ta đất canh tác (nếu thu chính, canh tác đạt chuẩn) đã làm đổi đời nhiều nông hộ ở Tây Nguyên. Lợi nhuận cao đã tạo ra cơn lốc xoáy khiến nhiều nông hộ quyết định chuyển đổi sang trồng loại cây này, bất chấp khuyến cáo.
Gia đình ông Nguyễn Duy Phương, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã chuyển đổi hơn 8 sào (8.000 m2) trồng cà phê sang trồng sầu riêng. Theo ông Phương, vườn cà phê của gia đình đã già cỗi, không đạt năng suất, giá những năm qua thấp nên không đủ nuôi sống gia đình. Do đó, gia đình ông chuyển sang trồng chuyên canh sầu riêng mặc dù có nhiều nỗi lo như diện tích sầu riêng đang phát triển nóng thì khoảng 5 năm sau sản lượng sầu riêng sẽ rất lớn, có khả năng dẫn đến giá mua giảm và đầu ra khó khăn. Song vì thấy mọi người trồng nên gia đình ông trồng theo, kỳ vọng sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 22.458 ha trồng sầu riêng, tăng 7.505 ha so với năm 2022. Các huyện đang phát triển mạnh diện tích trồng sầu riêng như Krông Pắk, Buôn Hồ, Cư M’Gar, Krông Năng… Cùng với kỳ vọng về hiệu quả từ cây sầu riêng, người nông dân cũng đang bộn bề nỗi lo khi thời tiết năm nay khắc nghiệt trong việc chăm sóc cây sầu riêng, tình hình sâu bệnh hại và nỗi lo “cung vượt cầu”.
Tương tự, sau gần một năm kể từ khi lô sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tỉnh Lâm Đồng đang phải triển khai giải pháp để kiềm chế, ngăn phát triển “nóng” loại cây này. Theo thống kê, hiện nay diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 17.163 ha, tăng hơn 3.500 ha so với năm trước đó.
Sản phẩm sầu riêng và một số loại cây ăn quả khác trồng thuần, trồng xen trên vườn cây công nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người sản xuất. Tuy nhiên, tình trạng phát triển nóng về diện tích, mở rộng trồng mới sầu riêng ở vùng không có lợi thế, tự phát chặt phá cây trồng khác để trồng mới sầu riêng ở Lâm Đồng có nguy cơ dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu”, phá vỡ sự ổn định của thị trường trong thời gian tới.
Tại tỉnh Đắk Nông, diện tích sầu riêng toàn tỉnh năm 2020 là hơn 2.800 ha. Đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 6.100 ha sầu riêng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2020. Quy hoạch phát triển sầu riêng của tỉnh đến năm 2025 là 5.000 ha, hiện đã vượt quy hoạch hơn 1.100 ha. Ngành chức năng dự báo, diện tích loại cây trồng này ở Đắk Nông sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, thực tế hiện nay, việc khuyến cáo trong phát triển sầu riêng chưa đi kèm với chính sách và hỗ trợ nên chưa phát huy hiệu quả. Sầu riêng phải được người dân sản xuất theo nhu cầu thị trường, với các đòi hỏi cụ thể như truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, mã vùng trồng...
Bà Nguyễn Thị Tình dự báo, nếu nông dân sản xuất sầu riêng tự phát, không theo quy hoạch, quy chuẩn xuất khẩu sẽ dẫn đến cung vượt cầu. Lúc đó, giá bán sầu riêng sẽ thấp và không đem lại hiệu quả kinh tế.
Tại tỉnh Gia Lai, địa phương có hơn 845.000 ha đất sản xuất nông nghiệp nên có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm chủ lực như sầu riêng, chanh leo, khoai lang. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc phát triển tự phát, thiếu sự liên kết, chạy theo “giá cả thị trường” và đặc biệt là phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đang khiến các sản phẩm nông sản Gia Lai chưa phát huy được thế mạnh.
Đặc biệt, các sản phẩm nông nghiệp khi làm ra chưa có các đơn vị bao tiêu, thu mua và chế biến sâu; hầu hết đang được bán ra ở dạng thô nên giá thành không cao. Từ đó, tình trạng chạy theo nhu cầu thị trường đang khiến ngành nông nghiệp ở Gia Lai mất tính ổn định, bền vững.
Giá cả trồi, sụt
Nhiều loại cây trồng như chanh leo phát triển ồ ạt thời gian gần đây đã và đang phá vỡ quy hoạch cũng như định hướng phát triển nông nghiệp bền vững tại Tây Nguyên. Khi thị trường càng có nhiều điều kiện đạt chuẩn bắt buộc ở các thị trường lớn, việc phát triển tự phát, thiếu quy hoạch khiến sản phẩm làm ra gặp khó trong khâu tìm kiếm thị trường. Từ đó, việc bị ép giá, sản phẩm không tìm được thị trường tiêu thụ trở thành gánh nặng của người nông dân. Nhiều nông dân rơi vào tình cảnh “bán tống, bán tháo” mong gỡ lại ít vốn là điều dễ nhận thấy đối với sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên thời gian vừa qua.
Tại tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh cây sầu riêng, cây chanh leo cũng được người dân nhiều địa phương mở rộng diện tích trồng trong thời gian qua. Song giá cả chanh leo lên xuống thất thường, bấp bênh khiến nông dân đang “dở khóc, dở cười”.
Cách đây 6 tháng, gia đình ông Nguyễn Văn Huyền, xã Ea Blang, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk thấy giá chanh leo cao (22.000 - 27.000 đồng/kg) nên quyết định vay mượn tiền để đầu tư trồng 1 ha chanh leo. Thế nhưng, hiện nay, đang vào mùa thu hoạch rộ, gia đình ông Huyền chỉ bán được với giá 2.000 - 7.000 đồng/kg chanh leo. Theo ông Huyền, với giá chanh leo như hiện nay, thì không đủ chi phí sản xuất như giống, phân bón, tiền nhân công.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Búk Trần Minh Thuận cho biết, nông dân huyện đang phát triển “nóng” diện tích chanh leo, vượt quy hoạch gấp 2 - 3 lần, diện tích hiện nay khoảng 160 ha. Đa số nông dân chạy theo thời vụ, tập trung phát triển nóng diện tích nhưng lại thiếu kỹ thuật trồng, chăm sóc. Tình trạng này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, thị trường tiêu thụ rất bấp bênh, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá chanh xuống thấp.
Tại tỉnh Đắk Nông, việc phát triển cây chanh leo cũng còn nhiều hạn chế như chủ yếu tự phát, phát triển theo phong trào, chất lượng thấp, chưa thật sự mang lại sinh kế bền vững cho người dân.
Gia đình ông Nguyễn Duy Vỹ (xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp) nhiều năm nay canh tác chanh leo trên diện tích gần 5.000m2. Theo ông Vỹ, trồng chanh leo khó nhất là việc phát hiện và phòng, chống các loại dịch bệnh. Nhiều loại bệnh, sinh vật gây hại như cứng trái, quăn lá, đốm dầu, nhện đỏ, bọ xít, ruồi đục trái ảnh hưởng lớn tới năng suất, chất lượng sản phẩm. Nông dân không cẩn trọng thì sản phẩm chanh thành phẩm sẽ bị rớt hạng. Vì nếu loại 1, loại 2 có giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, thì loại 3, loại dạt có giá chỉ 5.000 - 7.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn tại một số thời điểm thu hoạch rộ, cung vượt cầu.
Theo Chi cục Phát triển Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, là loại cây ngắn ngày nên diện tích chanh leo không ổn định qua từng năm. Năm 2021, Đắk Nông có khoảng hơn 1.000 ha chanh leo. Năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 700 ha. Hiện nay, diện tích trồng cây chanh leo đang phát triển mạnh sau thông tin loại trái cây này được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tại Đắk Nông hiện mới chỉ có một vùng trồng được cấp phép xuất khẩu trực tiếp loại trái cây này sang thị trường Trung Quốc với quy mô hơn 10 ha. Diện tích chanh leo của tỉnh đạt chứng nhận tiêu chuẩn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 15%.
Bên cạnh việc phát triển ồ ạt, tự phát, việc sản xuất sầu riêng, chanh leo ở Tây Nguyên đang gặp những rủi ro về lâu dài do người dân một số địa phương trồng ở những vùng không có lợi thế, manh mún, canh tác chưa bền vững. Mặt khác, diện tích được cấp mã số vùng trồng, số lượng cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch còn rất nhỏ so với quy mô diện tích, sản lượng hiện có. Đây sẽ là những rào cản, thách thức lớn của ngành nông nghiệp Tây Nguyên trong xuất khẩu nông sản nói riêng, phát triển bền vững nói chung.(Còn tiếp-Bài 2: Mã số vùng trồng - “Hộ chiếu xuất ngoại”)
Nhóm PV TTXVN tại Tây Nguyên