Nông sản Việt vươn xa ra thế giới (Bài 1)

Thu hoạch cà phê ở vùng trồng của Công ty Simexco Daklak (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Thu hoạch cà phê ở vùng trồng của Công ty Simexco Daklak (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Trải qua nhiều giai đoạn đổi mới chiến lược phát triển nông nghiệp, Việt Nam đang từng bước vươn lên trở thành một trong những nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu trên thế giới. Nông sản Việt đã "đặt dấu chân" lên hơn 185 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau; không chỉ có gạo, cà phê, hồ tiêu mà các mặt hàng rau quả, đặc biệt là trái cây nhiệt đới cũng trở thành điểm sáng trong xuất khẩu khi lần lượt tiếp cận được các thị trường hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị và chinh phục được người tiêu dùng lâu dài, ngành sản xuất, xuất khẩu nông sản Việt vẫn còn rất nhiều việc phải làm từ việc cải thiện chất lượng, liên kết chuỗi cung ứng đến xây dựng thương hiệu.

Bài 1: Những dấu ấn mới trên thị trường

Năm 2022, dù thế giới biến động bất ngờ, nhiều ngành hàng gặp khó khăn nhưng cũng là năm ghi dấu những "thành tựu" khi các loại nông sản Việt Nam vươn mình mạnh mẽ ra thị trường thế giới như gạo thương hiệu Việt tiếp cận thành công các thị trường hàng đầu như EU, Nhật; các loại trái cây sầu riêng xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc; bưởi da xanh xuất đi Mỹ, chanh xanh xuất khẩu đi New Zealand…

Nông sản Việt vươn xa ra thế giới (Bài 1) ảnh 1Thu hoạch cà phê ở vùng trồng của Công ty Simexco Daklak (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Gạo Việt khẳng định tên riêng

Việt Nam được biết đến là nước có sản lượng gạo xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng thương hiệu gạo Việt gần như chưa được biết đến nhiều vì hầu hết gạo được xuất khẩu dưới dạng cung ứng cho các thương hiệu phân phối nước ngoài. Vài năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo lớn đã chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu riêng cho gạo Việt và năm 2022 gạo Việt được nâng tầm với những cái tên riêng góp mặt trên kệ hàng các chuỗi siêu thị từ Nhật Bản đến châu Âu.

Nếu như thời điểm năm 2020 chỉ có Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An "liều lĩnh" cắt nguồn cung gạo xá cho các khách hàng châu Âu để chuyển sang cung ứng gạo thương hiệu Trung An thì đến năm 2022, không chỉ Trung An mà Tập đoàn Tân Long, Tập đoàn Lộc Trời đều lần lượt đưa gạo thương hiệu riêng lên kệ siêu thị ở Nhật Bản và châu Âu.

Cuối tháng 6/2022, Tập đoàn Tân Long đã xuất khẩu thành công lô hàng gạo mang thương hiệu A An vào Nhật, sau khi vượt qua quy trình kiểm nghiệm vô cùng khắt khe đối với hơn 450 chỉ tiêu. Đây cũng là lần đầu tiên một thương hiệu gạo Việt Nam được xuất khẩu thành công vào thị trường cực kỳ khó tính như Nhật Bản.

Nông sản Việt vươn xa ra thế giới (Bài 1) ảnh 2Dây chuyền chế biến cà phê nhân tại nhà máy của Công ty Simexco Daklak (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết gạo A An của Tập đoàn Tân Long xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật Bản là thành công bước đầu trong việc mang thương hiệu gạo A An ra thế giới. Sau Nhật Bản, Tân Long sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại các thị trường lớn tiềm năng khác như Mỹ và EU.

Cũng trong tháng 6/2022, 500 tấn gạo mang thương hiệu riêng của Tập đoàn Lộc Trời "Cơm Việt Nam Rice" đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, chính thức hiện diện trên kệ của hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu – Carrefour.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, năm 2022 đánh dấu lần đầu tiên gạo thương hiệu Cơm ViệtNam Rice của Lộc Trời và cũng là lần đầu tiên thương hiệu gạo của Việt Nam được đưa vào 2 đại siêu thị là Carrefour (hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu) và Leclerc (hệ thống siêu thị với gần 600 đại siêu thị và hơn 100 siêu thị trên khắp nước Pháp). Thông qua hai hệ thống hệ thống siêu thị bán lẻ này, gạo Cơm VietNam Rice không chỉ tiếp cận người tiêu dùng Pháp mà đã đến với thị trường Đức, Hà Lan...

Nhờ đẩy mạnh xuất khẩu gạo thương hiệu riêng chất lượng cao mà sản lượng và doanh thu xuất khẩu gạo năm 2022 của Lộc Trời tăng hơn 160%; riêng sản lượng gạo chất lượng cao xuất sang các thị trường khó tính thuộc khối châu Âu đã tăng gấp đôi so với năm 2021. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy gạo thương hiệu riêng của Việt Nam đã được người tiêu dùng EU đón nhận.

Theo ông Nguyễn Duy Thuận, từ cuối năm 2022 và những ngày đầu năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời đã nhận được đơn hàng đến từ EU, châu Phi và Trung Quốc, doanh nghiệp cũng đã ký được nhiều hợp đồng với số lượng lớn giao hàng trong quý I/2023. Mục tiêu của Lộc Trời trong năm 2023 là tăng sản lượng xuất khẩu gấp 3 lần so với 2022 và đẩy mạnh xúc tiến, đưa thương hiệu gạo Việt Nam vào các thị trường khác ở châu Âu như: Đức, Thụy Sĩ...

Những ngày cuối năm 2022, Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An thông tin vừa chốt được đơn hàng 8.000 tấn gạo thơm. Trước đó, doanh nghiệp này cũng chốt đơn 20.000 tấn gạo sang Hàn Quốc, dự kiến xuất từ đầu năm 2023.

Ông Nguyễn Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, hiện tại, doanh nghiệp đã kín đợn đặt hàng hết quý I/2023. Những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia, Trung Đông,... đang rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam. Đơn hàng liên tục được ký mới, nhờ đó xuất khẩu gạo năm 2023 sẽ tiếp tục thuận lợi, doanh thu có thể tăng khoảng 30% so với năm 2022.

Nông sản Việt vươn xa ra thế giới (Bài 1) ảnh 3Thu hoạch cà phê ở vùng trồng của Công ty Simexco Daklak (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Cửa rộng cho trái cây đặc sản

Bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh và sức mua thị trường giảm sút, năm 2022, xuất khẩu trái cây Việt Nam đã có nhiều bứt phá, mang về hơn 3 tỷ USD và đạt được bước tiến lớn trong việc đưa nhiều loại trái cây vào danh sách xuất khẩu chính ngạch đi các thị trường quan trọng, đáng chú ý nhất là chuối, sầu riêng lần đầu xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc, nhãn tươi đi Nhật Bản, bưởi da xanh đi Mỹ, New Zealand…

Giữa tháng 9/2022, hơn 100 tấn sầu riêng đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk đã được xuất khấu chính ngạch sang Trung Quốc theo Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Sau thời gian dài đàm phán với rất nhiều yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật, tháng 11/2022, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) chính thức cho phép quả nhãn tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Nhật Bản. Nhãn là loại trái cây thứ 4 được cấp phép nhập khẩu vào Nhật Bản sau các loại quả thanh long, xoài Cát Chu và vải.

Nông sản Việt vươn xa ra thế giới (Bài 1) ảnh 4Sản phẩm cà phê nhân được bảo quản trong kho đúng quy cách đảm bảo cho xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Cũng trong tháng 11/2022, lô bưởi da xanh Bến Tre đầu tiên đã chính thức được xuất khẩu vào thị trường Mỹ sau hơn 6 năm thương thảo tích cực. Hiện tại, Mỹ đã cấp 11 mã số vùng trồng cho 156 ha bưởi da xanh tại Bến Tre với sản lượng trên 3.000 tấn/năm. Trước đó, trái bưởi tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia khác như trung Quốc, Hà Lan, Đức, Canada…

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu cho biết, việc các bộ, ngành của Việt Nam thương thảo thành công mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản, trái cây tươi ở các thị trường quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…là bước đệm tốt để nông sản Việt Nam ngày càng đi xa hơn. Những lô hàng xuất khẩu đầu tiên cũng ghi nhận tín hiệu tốt từ thị trường, tạo động lực để doanh nghiệp, nông dân đầu tư nghiêm túc vào sản xuất, kinh doanh nông sản.

Với trường hợp của trái sầu riêng, bà Ngô Tường Vy cho rằng, với quy mô 1,5 tỷ dân, Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất trên thế giới hiện nay. Từ lâu sầu riêng Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên khá bấp bênh và chỉ mới tiếp cận được khoảng 30% thị trường, dư địa còn rất lớn. Vì vậy, việc xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc giúp trái sầu riêng Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp và nông dân có cơ hội thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T, Phó chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam nhận định, dù không tránh khỏi những khó khăn chung từ tình hình lạm phát, chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc nhưng năm 2022 là năm khá thành công của xuất khẩu trái cây, nông sản Việt Nam. Đặc biệt những cuối năm ngành hàng trái cây liên tục nhận được các tín hiệu vui khi mở cửa được các thị trường mới, nhiều tiềm năng cho các loại trái cây chủ lực như sầu riêng chính ngạch vào Trung Quốc, bưởi vào Mỹ và NewZealand…Đó sẽ là cơ sở để ngành rau quả kỳ vọng sẽ đạt kết quả tích cực hơn trong năm 2023 và những năm tiếp theo. (Xem tiếp Bài 2: Sản xuất bền vững và xây dựng thương hiệu)

Xuân Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm