Phát huy nội lực, tạo đà xây nông thôn mới bền vững tỉnh Lào Cai

Phát huy nội lực, tạo đà xây nông thôn mới bền vững tỉnh Lào Cai

Bằng những mô hình sáng tạo, thiết thực, giao nhiệm vụ cụ thể, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tỉnh Lào Cai đã phát huy được tối đa nội lực từ bộ máy lãnh đạo, đội ngũ doanh nghiệp và lực lượng nhân dân để từng bước củng cố các mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững. Lào Cai đã có 181 thôn kiểu mẫu, 169 thôn nông thôn mới; 62/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 51,18%; 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Những mô hình tạo đà xây dựng nông thôn mới

Bản Rịa, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên là một trong 47 thôn được công nhận kiểu mẫu trong năm 2021 của tỉnh Lào Cai. Thôn có 77 hộ, 365 khẩu, chủ yếu là người dân tộc Tày, chiếm 98%. Người dân sống bằng nghề nông nghiệp là chủ yếu. Trưởng thôn Ma Thanh Giang cho biết, bắt tay vào thực hiện chương trình thực hiện xây dựng "thôn kiểu mẫu", Bản Rịa gặp rất nhiều khó khăn với cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, thu nhập của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo trong bản còn cao. Khó khăn lớn nhất đó là người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tuy nhiên, với phương châm "dễ làm trước, khó làm sau", nhiều mô hình phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh, môi trường đã lần lượt ra đời và giải quyết triệt để từng vấn nạn của địa phương, phát huy sức mạnh, nội lực của nhân dân.

Trong đó, mô hình "Thôn bản bình yên, gia đình hạnh phúc" ra đời từ năm 2017 đã góp phần giữ vững an ninh trật tự thôn bản. Chị Vi Thị Hạnh, người dân thôn Bản Rịa cho biết, trước đây tình hình an ninh trật tự của thôn rất phức tạp, tình trạng trộm cắp vặt, gia đình đánh cãi chửi nhau.... thường xuyên xảy ra. “Tuy nhiên, những năm gần đây, các bác ở trong xã, thôn thường xuyên về tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh, vận động bà con tham gia giữ gìn an ninh trật tự. Bây giờ có việc đi ra ngoài cũng chẳng cần khóa cửa nhà, đường làng ngõ xóm tối đến đều thắp đèn điện phục vụ cho bà con đi lại thuận lợi hơn", chị Hạnh chia sẻ.

Tổ quản lý điều hành mô hình gồm 6 thành viên, là cán bộ Ban công tác Mặt trận thôn, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Công an viên và những người có uy tín trong thôn. Từ khi đi vào hoạt động, tổ quản lý mô hình đã duy trì các buổi họp định kỳ theo đúng quy định, trong các buổi họp đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, bài trừ mê tín, dị đoan, các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, kịp thời nắm bắt thông tin, tố giác tội phạm, phối hợp giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự xảy ra trên địa bàn.

Mô hình đã vận động tất cả các hộ dân trong thôn tham gia ký cam kết đảm bảo an ninh trật tự. Người dân tại thôn đã cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị giúp lực lượng công an xã điều tra, ngăn chặn, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật. Nhiều vụ việc phức tạp được hòa giải ngay từ cơ sở. Năm 2021, thôn có trên 98,7% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, liên tục 5 năm liền đạt thôn văn hóa.

Ngoài ra, các mô hình như: chăn nuôi vịt bầu Nghĩa Đô, chăn nuôi lợn đen bản địa, trồng rừng, mô hình nhà sạch vườn đẹp gắn liền với vệ sinh môi trường... tại Bản Rịa đã phát huy hiệu quả khơi dậy nội lực của nhân dân trong phát triển kinh tế.

Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 36,12 triệu đồng/người/năm, tăng bình quân 3,77 triệu đồng/người/năm so với năm 2020, đưa Bản Rịa từng bước đi lên thoát nghèo và trở thành một trong những bản dẫn đầu xã trong xây dựng nông thôn mới với nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi, tiêu biểu.

Không chỉ ở địa phương, các mô hình thiết thực được triển khai tại các cấp hội, đoàn thể đã góp phần không nhỏ trong xây dựng nông thôn mới của Lào Cai. Năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai đã triển khai thêm 15 mô hình mới mang lại hiệu quả cao. Điển hình, đã có hơn 200km đường hoa, điện với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng được hình thành từ các mô hình "Đường hoa phụ nữ, sắc mới thôn quê", "Đường hoa nông thôn mới" trong năm 2021.

Những hiệu quả bước đầu của các các mô hình này đã làm thay đổi nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới thực chất và bền vững, góp phần tích cực vào việc thực hiện có hiệu quả xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025.

Giao trách nhiệm


Một yếu tố thể hiện tính tiên phong, sáng tạo đã được chứng minh mang lại hiệu quả cao từ những năm đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới tại Lào Cai phải kể đến là chủ trương phân công trách nhiệm cho các lãnh đạo sở, ngành, doanh nghiệp tiêu biểu giúp đỡ các xã trong xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2021-2025, Lào Cai có 127 cán bộ lãnh đạo trực tiếp "gánh vác" trọng trách này, mỗi người đảm nhiệm một xã. Đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động và xếp loại hàng năm của cán bộ, lãnh đạo được phân công giúp đỡ các xã.

Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai có 3 lãnh đạo được phân công giúp đỡ các xã: Hoàng Liên (Thị xã Sa Pa); xã Khánh Yên Trung (huyện Văn Bàn) và xã Tà Chải (huyện Bắc Hà). Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai Dương Bích Nguyệt cho biết, Sở đã thành lập Tổ tổng hợp, Tổ giúp việc, giúp đỡ các xã xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; xây dựng kế hoạch giúp đỡ các xã theo chi tiết, cụ thể theo từng quý và cả năm.

Các đồng chí lãnh đạo thường xuyên trao đổi, làm việc với các xã để kịp thời năm bắt khó khăn, vướng mắc, xác định rõ những việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của xã, tiêu chí dễ để tập trung chỉ đạo và làm trước; những tiêu chí khó, việc vượt thẩm quyền chủ động tham mưu, đề xuất để có chỉ đạo và tháo gỡ kịp thời.

Ngoài ra, ngành tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới trong toàn ngành để mỗi cán bộ giáo viên và học sinh là tuyên truyền viên tích cực từ trong chính gia đình mình và địa phương nơi cư trú. Trong đó, tập trung tuyên truyền cho nhân dân nhận thức rõ được phương châm thực hiện của Chương trình xây dựng nông thôn mới là "Nhà nước và nhân dân cùng làm"; xác định người dân là chủ thể, là hạt nhân để xây dựng nông thôn mới; từ đó phát huy cao nhất khả năng và tinh thần của nhân dân, tham gia xây dựng nông thôn mới.

Bằng việc thực hiện tốt các nhóm giải pháp trên, trong năm 2021, công tác xây dựng nông thôn mới trong ngành giáo dục nói chung và công tác giúp đỡ các xây dựng nông thôn mới nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thực hiện tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số 14 về giáo dục trong xây dựng nông thôn mới, Lào Cai có 390/602 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 64,78% (tăng 14 trường so với năm 2020); 82/127 xã hoàn thành tiêu chí 5, đạt 64,5%.

Phổ cập giáo dục tiếp tục được duy trì vững chắc ở 100% xã, phường, thị trấn. Từ năm 2021 đến nay, Lào Cai đã mở được 42 lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho 929 học viên, trong đó đã nghiệm thu được 23 lớp với 473 học viên. Tổng số xã hoàn thành tiêu chí 14 là 95/127 đạt 74,8%.

Riêng các lãnh đạo của ngành giáo dục được phân công giúp đỡ các xã xây dựng nông thôn mới đã huy động các nguồn lực ủng hộ từ các tổ chức, đoàn thể, xã hội thăm hỏi, tặng quà học sinh, nhân dân... với số tiền mặt được quy ra trên 538 triệu đồng.

Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đi vào chiều sâu, thực chất hiệu quả là định hướng của tỉnh Lào Cai trong năm 2022. Địa phương phấn đấu năm 2022 có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có thêm ít nhất 133 thôn nông thôn mới, 59 thôn kiểu mẫu.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm