Cán bộ Hạt Kiểm lâm Bảo Yên chi trả tiền hỗ trợ trồng rừng sau đầu tư cho người dân địa phương trồng rừng sản xuất. Ảnh: nhandan.com.vn |
Dân trồng rừng trước, Nhà nước trả tiền sau
Chúng tôi đến thôn Bông 2, xã Bảo Hà chứng kiến những đồi quế hơn một tuổi, tỷ lệ sống 100%, đang ken lá xanh mướt dưới bóng xoan đào trồng thưa để chống nóng và trồng xen với ngô, sắn của gia đình ông Trần Hữu Xương, dân tộc Dao đỏ. Dừng tay vun đất vào gốc quế, ông Xương tâm sự: “Đất rừng sản xuất Nhà nước giao cho mình, trồng quế thì mình được hưởng toàn bộ nên gia đình bỏ tiền mua giống, bỏ công trồng và chăm sóc theo đúng kỹ thuật cán bộ kiểm lâm đã hướng dẫn; vì thế rừng quế xanh tốt, tỷ lệ cây sống đạt cao”.
Gia đình ông Xương trồng được hơn ba héc-ta quế trên diện tích đất lâm nghiệp dành cho rừng sản xuất theo quy hoạch của huyện, tỉnh. Khác với trước đây, từ năm 2015, huyện Bảo Yên thay đổi cách thức hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất từ trả tiền trước sang trả sau, khi cây trồng được nghiệm thu tại vườn, nương, đồi của người dân.
Theo cách này, thay vì cấp phát giống cho bà con thì hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng có đất quy hoạch là rừng sản xuất tự mua giống, tổ chức trồng rừng. Sau khi rừng trồng được ngành chuyên môn gồm kiểm lâm, phòng nông nghiệp huyện và chính quyền xã nghiệm thu tại thực địa thì Hạt Kiểm lâm được huyện ủy quyền thanh toán, chi trả cho người trồng rừng phần vốn hỗ trợ theo quy định.
Ông Hà Quang Kim, Hạt trưởng Kiểm lâm Bảo Yên khẳng định, cách làm này mang lại “lợi kép”, đó là vừa khuyến khích người dân chủ động đầu tư phát triển kinh tế rừng, vừa bảo đảm tỷ lệ cây sống cao, đúng diện tích thực có và chất lượng rừng tốt hơn.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Bảo Yên hướng dẫn người dân chăm sóc quế. Ảnh: nhandan.com.vn |
Động lực mới để trồng rừng
Hôm chúng tôi có mặt tại nhà văn hóa thôn Bông 2, xã Bảo Hà (Bảo Yên, Lào Cai) đúng vào ngày cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên mang tiền đến để thanh toán, chi trả cho bà con trồng rừng. Ông Trần Hữu Xương phấn khởi nhận 14 triệu đồng tiền Nhà nước hỗ trợ trồng hơn ba héc-ta quế, ông Đặng Văn An nhận 5,4 triệu đồng trồng 1,2ha quế và trẩu, và nhiều gia đình khác được nhận tiền hỗ trợ tùy theo diện tích và chất lượng rừng đã trồng thực tế.
Trưởng thôn Bông 2 Đặng Thị Loan thông báo, cả thôn có 11 hộ trồng rừng theo phương thức hỗ trợ sau đầu tư. Bà con đã tự bỏ tiền mua giống quế, trẩu, dổi, trám… để trồng rừng trong phần đất được quy hoạch trồng rừng sản xuất của huyện. Tất cả số diện tích rừng trồng đã được ngành chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra thực địa, xác nhận chất lượng cây sống và tiến hành chi trả tiền hỗ trợ cho bà con.
Ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Bảo Hà cho biết, hỗ trợ trồng rừng sau đầu tư đã tạo động lực mới để đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương tích cực trồng rừng sản xuất, bảo đảm chất lượng. Năm 2017, xã Bảo Hà trồng được gần 600ha, nâng tỷ lệ che phủ đất trống đồi trọc lên cao, quan trọng nhất là tạo được sinh kế bền để xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, bền vững từ nghề rừng.
Trước đây, ở các bản Tắp, Bông, Bùn… của xã Bảo Hà hầu như năm nào cũng xảy ra cháy rừng do để hoang hóa, lau lách, cây bụi mọc tràn lan, không ai bảo vệ. Từ năm 2015, nhờ chính sách hỗ trợ trồng rừng sau đầu tư theo cách “trồng rừng trước, trả tiền sau”, bà con người Dao, người Mông đã đưa cây trẩu lên đồi rừng, đến nay trẩu đã khép tán, phủ xanh những vùng đất hoang hóa, từ đó không còn xảy ra cháy rừng.
Cũng nhờ cách làm này, năm 2017, huyện Bảo Yên đã trồng được 2.770ha rừng , bao gồm quế, trẩu, bồ đề, mỡ… tại 18 xã, dẫn đầu tỉnh Lào Cai về trồng rừng. Riêng Hạt Kiểm lâm Bảo Yên thực hiện được 1.850ha, trong đó người dân tự bỏ vốn trồng rừng trước được 920ha. Địa phương trồng nhiều nhất là xã Bảo Hà, 590ha; Xuân Hòa, 250ha; Vĩnh Yên, 200ha…
Được Nhà nước hỗ trợ, người dân Bảo Yên tích cực trồng quế xen canh với cây xoan và cây sắn, tạo nguồn thu nhập ổn định từ trồng rừng. Ảnh: nhandan.com.vn |
Kế hoạch năm 2018, huyện Bảo Yên tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng theo phương thức “trồng rừng trước, trả tiền hỗ trợ sau”, với mục tiêu trồng 1.860ha rừng cây các loại, trong đó trồng rừng hỗ trợ sau đầu tư (tức là dân tự bỏ vốn trồng) là 1.300ha, với mức hỗ trợ 4,8 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay, người dân trồng rừng đã được nghiệm thu nhưng chưa được thanh toán, chi trả số tiền tương ứng với khoảng 579ha rừng đã trồng, tổng số tiền là 2,7 tỷ đồng. Theo Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp, kinh phí hỗ trợ đầu tư phát triển rừng ngoài ngân sách T.Ư, thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm sử dụng nguồn thu từ bán cây đứng, thuế tài nguyên rừng, tiền thu từ xử phạt các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, nguồn thu được để lại từ các nhà máy thủy điện và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật để bảo đảm nguồn vốn thực hiện tại địa phương. UBND tỉnh Lào Cai cần sớm cân đối, tháo gỡ vướng mắc trên để hỗ trợ người dân trồng rừng, bảo đảm chất lượng và hiệu quả.
Theo nhandan.com.vn