Trà Vinh công bố huyện Trà Cú đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 26/4, tỉnh Trà Vinh tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Trà Cú đạt chuẩn nông thôn mới.

vna_potal_huyen_cuoi_cung_cua_tinh_tra_vinh_dat_chuan_nong_thon_moi_7345151.jpg
Lãnh đạo huyện Trà Cú đón Bằng công nhận huyện Trà Cú đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Phát biểu tại công bố, ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Trà Cú cho biết, Trà Cú là huyện vùng sâu có đông đồng bào Khmer nhất tỉnh Trà Vinh. Huyện có tổng diện tích tự nhiên 317,53 km2, có 15 đơn vị hành chính cấp xã và 2 thị trấn. Dân số toàn huyện có 43.369 hộ, với 147.419 nhân khẩu, trong đồng bào dân tộc Khmer chiếm gần 62%. Trước khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Trà Cú có xuất phát điểm thấp, huyện có 5 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. Thu nhập bình quân đầu người trong huyện chỉ đạt 12,3 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo cao nhất so với các huyện trong tỉnh chiếm 33,28%. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương vừa thiếu, vừa yếu...

Qua 13 năm xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng của huyện Trà Cú hầu hết đã hoàn thiện, đảm bảo được yêu cầu cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương. Đến nay, hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện Trà Cú đã có 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa; có trên 97% đường trục ấp, liên ấp được nhựa hóa, bê tông hóa đảm bảo lưu thông đi lại, vận chuyển hàng hóa thông suốt trong 2 mùa mưa, nắng.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân huyện Trà Cú không ngừng được cải thiện. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 62,83 triệu đồng/người/năm, tăng 35,96 triệu đồng/người/năm so với năm 2016. Tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện còn dưới 4%. Hộ có nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt tỷ lệ hơn 95% và hộ dân được sử dụng điện thường xuyên chiếm 99,92%. Toàn huyện có 100% số trường học đạt chuẩn về cơ sở vật chất, trong đó có 91,4% số trường đạt chuẩn Quốc gia từ mức độ 1 đến mức độ 2.

Với nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nhân dân trong huyện Trà Cú mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất để tăng thu nhập. Trên địa bàn huyện có nhiều mô hình sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật đem lại lợi nhuận cao. Hiện giá trị sản xuất 1 ha đất nông nghiệp ở địa phương đạt 148 triệu đồng/năm, tăng gần 167 triệu đồng so với năm 2016; riêng đất nuôi trồng thủy sản đạt gần 267 triệu đồng/năm.

Phát biểu tại lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chỉ đạo huyện Trà Cú tiếp tục tập trung thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn mới; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn để sớm đưa địa phương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Trước mắt, huyện Trà Cú cần tập trung thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất các loại nông sản, thủy sản có lợi thế. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, tạo nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Huyện Trà Cú có nhiều tiềm năng, lợi thế cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội. Trên địa bàn huyện hiện có các công trình dự án lớn như: Khu kinh tế Định An; Cảng cá Định An đang được nâng cấp thành trung tâm nghề cá của tỉnh và hướng đến của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Dự án Nhà máy điện sinh khối; Cầu Đại Ngãi nối liền 02 tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng.

Đây là những công trình, dự án có tác động tích cực để huyện Trà Cú nắm bắt nhằm xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển nhanh hơn.

Tỉnh Trà Vinh hiện có 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 11 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh đề ra mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm