Phát hiện mới về nguyên nhân tuyệt chủng của loài "quái vật" biển cổ dài

Phát hiện mới về nguyên nhân tuyệt chủng của loài "quái vật" biển cổ dài

Các nhà nghiên cứu vừa khám phá bằng chứng cho thấy một loài "quái vật" biển cổ dài không còn tồn tại đến ngày nay là do bị một loài sinh vật ăn thịt khác tấn công dữ dội và ngoạm mất đầu.

Cách đây nhiều thập kỷ trước, các nhà khoa học đã khai quật được những hóa thạch của loài bò sát biển cổ dài kỳ lạ có tên Tanystropheus ở Thụy Sĩ. Và cuộc nghiên cứu mới đây đã cung cấp bằng chứng cho thấy Tanystropheus đã bị một loài sinh vật ăn thịt bất ngờ tấn công. Nghiên cứu xương cổ và đầu hóa thạch của hai loài Tanystropheus, các nhà khoa học phát hiện thấy những vết cắn ngoặm như vết thủng hình răng và những dấu hiệu khác cho thấy tình trạng bị chấn thương đau đớn và nghiêm trọng. Họ cho rằng đây là những dấu hiệu của việc bị ngoạm cổ.

Trước đây, khi phát hiện được những mẫu hóa thạch của loài Tanystropheus, các nhà khoa học biết được rằng đây là loài bò sát sống ở vùng biển nông và tồn tại cách đây khoảng 242 triệu năm. Chúng thường săn cá và mực làm thức ăn sinh tồn nhờ cổ dài kỳ lạ để có thể đột kích con mồi từ xa. Tanystropheus được biết đến với hai loài, một loài thân dài trung bình khoảng 6 m, ăn cá và mực. Loài còn lại là thân ngắn chỉ khoảng 1,5 m, có hàm răng kiểu động vật ăn loài thân mềm như tôm.

Cổ của loài Tanystropheus thường dài gấp 3 lần so với thân mình. Đặc điểm cổ dài cũng khiến loài này khác biệt so với bất kỳ loài động vật nào khác trên Trái Đất. Cổ dài là một trong những đặc điểm phổ biến được tìm thấy đối với những hóa thạch bò sát biển cách đây khoảng 175 năm vào thời kỳ khủng long còn tồn tại trên Trái Đất. Tuy nhiên, cổ dài lại có bất lợi là dễ bị kẻ thù săn mồi phát hiện.

Theo các nhà khoa học, kẻ thù từng tấn công loài Tanystropheus thân dài có thể là một loài bò sát biển lớn mà các nhà khoa học cho rằng có thể là loài Cymbospondylus thân dài 10 m hoặc Nothosaurus thân dài 7 m. Các loài bò sát biển dạng "quái vật" như vậy có thể đã ngoạm cổ những loài nhỏ hơn.

Là "họ hàng" xa của loài khủng long, loài Tanystropheus xuất hiện đầu tiên cách đây khoảng 230 triệu năm, trong kỷ Tam Điệp (Triassic Period) tại thời điểm quá trình tiến hóa diễn ra mạnh mẽ sau các đợt tuyệt chủng hàng loạt và trên phạm vi rộng trên Trái Đất. Loài này đã phát triển mạnh mẽ trên khắp Bán cầu Bắc trong vòng khoảng 10 triệu năm.

Nguyễn Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm