Ông Nguyễn Văn Còn sản xuất giỏi, góp sức xây dựng nông thôn mới

Huyện Cai Lậy nổi tiếng với thương hiệu sầu riêng Ngũ Hiệp, loại cây ăn quả đặc sản có giá trị xuất khẩu cao. Toàn huyện có trên 10.500 ha sầu riêng chuyên canh, cho sản lượng mỗi năm trên 200.000 tấn quả. Tại vùng chuyên canh, có những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, biết nắm bắt và áp dụng khoa học công nghệ thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập hàng tỷ đồng/ha/năm, tạo dựng cơ nghiệp bền vững.

Điển hình như nông dân Nguyễn Văn Còn, ngụ tại ấp 3, xã Phú An, đang canh tác 1,5 ha sầu riêng chuyên canh, giống Ri6 và Mong Thong chất lượng cao. Đất này, trước đây người dân trồng lúa độc canh mỗi năm 2 vụ nhưng thu nhập bấp bênh, lại thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, mất mùa, cuộc sống khó khăn.

nong-dan-28042024.jpg
Ông Nguyễn Văn Còn sản xuất giỏi, góp sức xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Nhà nước đầu tư xây dựng ô đê bao khép kín Ba Rày - Phú An, phòng chống lũ lụt và triều cường, giảm nhẹ thiên tai kết hợp với kiện toàn cơ sở hạ tầng giao thông - thủy lợi, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu tạo điều kiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi khu vực phía Nam Quốc lộ 1, trong đó có xã Phú An. Ông Nguyễn Văn Còn đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích canh tác sang lập vườn trồng sầu riêng xuất khẩu.

Để bảo đảm thành công, ông Còn chú trọng học tập và ứng dụng khoa học công nghệ thâm canh, từ khâu kỹ thuật lên líp, chọn giống, trồng và chăm sóc… thông qua cán bộ kỹ thuật nông nghiệp và những nông dân giàu kinh nghiệm đi trước. Ông Còn chọn mua giống sầu riêng sạch bệnh tại những điểm kinh doanh cây giống uy tín, trồng với mật độ phù hợp, khoảng 20 cây/1.000 m2 (1 công đất)

Trong quá trình canh tác, chăm sóc, ông Nguyễn Văn Còn sử dụng phổ biến các loại phân bón hữu cơ chất lượng tốt bón cho vườn sầu riêng, đầu tư thêm gần 60 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới phun tự động giúp tiết kiệm nguồn nước bơm tưới, giảm công lao động chăm sóc vừa mang lại hiệu quả tưới tiêu cao.

Khi vườn sầu riêng đến độ tuổi cho trái, thay vì cho cây ra hoa tự nhiên theo mùa lúc thu hoạch chính vụ thường bị mất giá bởi đụng hàng, đụng chợ, ông nghiên cứu xử lý cho trái vụ nghịch bán được giá cao. Cụ thể vào tháng 3 hoặc tháng tư hàng năm, ông Còn bắt đầu xử lý để vườn cây cho thu hoạch vụ nghịch vào khoảng tháng 9, 10 âm lịch.

Quá trình xử lý rải vụ phải qua nhiều công đoạn nghiêm ngặt: đậy mũ nilon gốc xiết nước kìm hãm tăng trưởng cây, phun thuốc tạo mầm, kích thích cây ra hoa, chăm sóc, tỉa thưa hoa, tỉa thưa trái, thu hoạch…Thời gian từ lúc xiết nước, kìm hãm tăng trưởng đến khi thu hoạch kéo dài khoảng 6 tháng.

Ông Nguyễn Văn Còn đúc kết, thời điểm cuối năm âm lịch, từ tháng 10 trở đi đến trước Tết Nguyên đán, thị trường xuất khẩu sầu riêng rất sôi động, sầu riêng luôn bán được giá cao, nông dân thu lãi lớn. Khu vườn sầu riêng 10 năm tuổi tại ấp 3, mỗi năm đạt sản lượng khoảng 25 tấn quả, giá bán trung bình khoảng 100.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông còn lợi nhuận ròng khoảng 1,5 tỷ đồng. Thu nhập cao từ vườn cây đặc sản, ông Nguyễn Văn Còn đầu tư xây cất nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi, là tấm gương làm giàu được bà con mến mộ, học tập.

Đánh giá về hiệu quả vườn chuyên canh sầu riêng, ông Nguyễn Văn Còn cho biết, đó là nhờ nhà nước đầu tư hoàn thiện mạng lưới đê bao kết hợp phát triển giao thông nông thôn khép kín phục vụ sản xuất tạo điều kiện cho nông dân nắm bắt cơ hội mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú An Lý Vĩnh Trường nhận xét, không chỉ cần cù, chịu khó, nhạy bén tiếp thu nhanh khoa học công nghệ, phát huy tiềm lực đất đai, phát triển kinh tế gia đình, ông Nguyễn Văn Còn còn là tấm gương tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Vừa qua, hưởng ứng sự vận động của Nhà nước, ông Nguyễn Văn Còn đã nêu gương hiến trên 100 m2 đất để chính quyền đầu tư mở rộng và nâng cấp đường Đông sông Phú An qua địa bàn ấp 3.

Tuyến đường Đông sông Phú An được trải bê tông rộng rãi, khang trang đưa vào sử dụng đã phát huy vai trò kết nối giao thương, tiêu thụ nông sản hàng hóa và thuận lợi đi lai, học hành, mở mang dân trí vùng nông thôn sâu nhiều khó khăn trước đây. Qua đó, còn giúp xã Phú An hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, được công nhận và ra mắt xã nông thôn mới năm 2018, đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2023 và đang hướng tới mục tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2025.

Thành tựu đó có sự chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú An, đặc biệt là tấm gương nông dân Nguyễn Văn Còn, Chủ tịch xã Phú An Lý Vĩnh Trường khẳng định. Với những đóng góp của mình trên lĩnh vực chuyển đổi sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ thâm canh cây trồng vừa chung sức xây dựng nông thôn mới thành công, năm qua, ông Nguyễn Văn Còn được vinh danh nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu cấp tỉnh, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm