Vùng chuyên canh cây ăn quả Tiền Giang phòng chống hạn, mặn

Đầu tháng 4/2024, tại Tiền Giang, hạn hán và xâm nhập mặn vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo dự báo, từ ngày 9 đến 12/4/2024, trên sông Tiền sẽ xuất hiện một đợt triều cường mới có khả năng cao hơn báo động 3 rất nhiều, khả năng đẩy mặn lấn sâu về thượng lưu, đe dọa các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản nằm phía Tây tỉnh.

vna_potal_tien_giang_ap_dung_cac_mo_hinh_tuoi_tiet_kiem_nuoc_phong_chong_han_cho_vuon_sau_rieng_7296123.jpg
Vận hành tưới phun mưa cho vườn sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Đầu tháng 4/2024, tại Tiền Giang, hạn hán và xâm nhập mặn vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo dự báo, từ ngày 9 đến 12/4/2024, trên sông Tiền sẽ xuất hiện một đợt triều cường mới có khả năng cao hơn báo động 3 rất nhiều, khả năng đẩy mặn lấn sâu về thượng lưu, đe dọa các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản nằm phía Tây tỉnh.

Chủ động ứng phó

Thông thường, triều cường kết hợp xâm nhập mặn lấn sâu theo hai hướng từ hạ lưu sông Tiền lên và từ hướng sông Hàm Luông phía tỉnh Bến Tre lấn qua uy hiếp gần 42.0000 ha vườn cây ăn quả tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây: Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy; trong đó có gần 22.000 ha vườn sầu riêng đặc sản giá trị kinh tế cao.

Hiện tại, tỉnh đã cho đóng toàn bộ cống đầu các kênh rạch trên đường tỉnh 864 thông ra sông Tiền nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, phòng chống mặn vừa đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi B (huyện Cái Bè) Huỳnh Thị Lý cho biết, xã nằm tiếp giáp với tỉnh Đồng Tháp, ngay từ đầu mùa khô 2023 – 2024, UBND xã xây dựng phương án ứng phó hạn mặn dựa vào diễn biến thực tế tại địa phương bảo vệ gần 1.680 ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó có trên 600 ha vườn sầu riêng chuyên canh đang cho nông dân nguồn lợi kinh tế lớn.

Theo đó, địa phương chú trọng theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn trên các tuyến kênh rạch, thông tin rộng rãi đến hộ dân; huy động nhân dân ra quân làm thủy lợi nội đồng, khai thông dòng chảy, tích cực bơm trữ ngọt trong nội đồng và các ao mương vườn tưới tiêu chống hạn. Đồng thời, kiểm tra, rà soát và sửa chữa các tuyến đê bao ngăn lũ và triều cường, lên danh sách các đập cần phải đắp; chuẩn bị sẵn vật tư, nhân lực, phương tiện để khi cần thiết đắp ngăn mặn kịp thời trong trường hợp triều cường và diễn biến mặn trên sông Tiền phức tạp.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè Đặng Văn Tung, huyện Cái Bè có 25.000 ha vườn cây ăn quả, 6.000 ha lúa năng suất cao; trong đó, riêng diện tích vườn chuyên canh sầu riêng lên đến khoảng 10.000 ha.

Cùng với tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về ứng phó hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai, địa phương đầu tư trên 18 tỷ đồng làm 30 công trình thủy lợi, kiện toàn mạng lưới cống đập, đê bao ngăn mặn, trữ ngọt. Hiện nay, các công trình đang phát huy tốt hiệu quả, giúp bảo vệ an toàn các vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng của địa phương.

Để bảo vệ 15.700 ha vườn cây ăn trái trong mùa khô 2023 - 2024, tập trung tại các xã phía Nam Quốc lộ 1; trong đó riêng vườn chuyên canh sầu riêng trên 9.000 ha, huyện Cai Lậy đầu tư gần 21 tỷ đồng đắp đập ngăn mặn, sửa chữa cửa cống, tổ chức các điểm đo mặn và tuyên truyền nhân dân chủ động ứng phó hạn mặn, bảo vệ sản xuất và đời sống.

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cũng đã có Công văn yêu cầu các địa phương trong vùng khẩn trương thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ tập trung ứng phó đợt cao điểm xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến phức tạp trong mùa khô 2023 - 2024.

UBND tỉnh chỉ đạo các huyện Cai Lậy, Cái Bè và thị xã Cai Lậy triển khai nhanh các phương án ứng phó triều cường và xâm nhập mặn; chú trọng gia cố, tôn cao bờ bao, đê bao ngăn mặn; vận động người dân nạo vét ao mương trữ ngọt phòng chống hạn mặn, sử dụng tiết kiệm nguồn nước…

Mặt khác, UBND tỉnh giao UBND huyện Cai Lậy triển khai phương án vận hành 17 giếng nước tầng sâu dự phòng đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản tại địa phương.

Các xã cù lao trên sông Tiền: Tân Phong và Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) trong những ngày qua cũng đắp 21 đập tạm ngăn mặn bảo vệ gần 3.000 ha vườn sầu riêng đặc sản.

Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) Nguyễn Hồng Thương cho biết, để bảo vệ gần 1.500 ha sầu riêng chuyên canh, địa phương cho đắp 5 đập ngăn mặn, nạo vét 6 tuyến kênh nội đồng trữ ngọt, tổng kinh phí khoảng 6,5 tỷ đồng đồng thời cho vận hành các giếng nước tầng sâu dự phòng đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, chống hạn cho vườn sầu riêng.

Mặt khác, UBND xã tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành tăng cường công tác tập huấn, hội thảo về kỹ thuật chăm sóc cây trồng trước, trong và sau khi hạn mặn chấm dứt gắn với vận động bà con giữ vệ sinh nguồn nước, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, phòng tránh ô nhiễm nguồn nước và môi trường,…

Thích ứng hạn mặn, phát triển vùng chuyên canh sầu riêng xuất khẩu

Thích ứng hạn mặn, bảo vệ và phát triển vùng chuyên canh sầu riêng xuất khẩu chính là quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành, nhân dân trong việc ứng phó hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai trước mắt cũng như lâu dài.

Thực hiện mục tiêu trên, Tiền Giang quan tâm đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình, nhân rộng những mô hình ứng phó hữu hiệu theo hướng thích ứng hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai.

Hiện tỉnh đã sẵn sàng các giải pháp chủ động ứng phó, khuyến cáo nông dân áp dụng những biện pháp chăm sóc cây trồng phù hợp trong mùa khô hạn như tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoặc trung vi lượng nhằm tăng khả năng chống chịu của cây trồng; áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ cao thâm canh cây trồng, dùng rơm rạ tủ gốc cây giữ ẩm cũng như chủ động trữ nước ngọt trong ao mương vườn, tiết kiệm nguồn nước, giữ vệ sinh nguồn nước, phòng, tránh ô nhiễm….

Nhiều mô hình mới, cách làm hay đã thiết thực khắc phục khó khăn, giải quyết nguồn nước bơm tưới, chống hạn cho vườn sầu riêng trong tình hình thiếu nước và xâm nhập mặn uy hiếp như: mô hình tưới tiết kiệm nước, tưới nhỏ giọt,... được nông dân vùng chuyên canh sầu riêng áp dụng rộng rãi.

Điển hình như mô hình tưới nhỏ giọt tại vườn ông Ngô Tấn Trung, ấp Hòa Thinh, xã Ngũ Hiệp. Ông có 2 ha sầu riêng đang trong giai đoạn khai thác trái. Trong mùa khô 2023 – 2024, ông quan tâm nạo vét ao mương vườn trữ ngọt chống hạn, sử dụng rơm rạ và cỏ rác tủ gốc sầu riêng giữ ẩm đồng thời lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước.

Theo ông Ngô Tấn Trung, mô hình tưới nhỏ giọt đầu tư khoảng 5 triệu đồng/ha nhưng hiệu quả cao, vừa tiết kiệm được nguồn nước ngọt quí giá phục vụ sản xuất, giúp chống hạn hiệu quả cho cây trồng, đảm bảo cây đủ nước phát triển, giảm nhẹ nguy cơ thiệt hại do thiên tai.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, ước tính trên 96% diện tích vườn sầu riêng trong tỉnh áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm nước, tưới phun mưa đồng thời 100% hộ dân đều quan tâm làm vệ sinh vườn cây, nạo vét ao mương trữ ngọt kết hợp cùng các biện pháp ứng phó phù hợp khác.

Qua đó, cụ thể hóa mục tiêu thích ứng hạn mặn, bảo vệ và phát triển vùng chuyên canh một cách bền vững, giảm nhẹ thiên tai trong mùa khô 2023 – 2024 và các năm tiếp theo.

Nhờ vậy, dù hạn mặn đang diễn biến khó lường, chưa có dấu hiệu dừng lại nhưng không gây nhiều thiệt hại, sản xuất và đời sống nhân dân vùng chuyên canh ổn định; sầu riêng đang có giá cao, từ 180.000-200.000 đồng/kg tùy loại, mỗi ha cho nông dân lợi nhuận trên 1,5 tỷ đồng nên bà con có sản lượng thu hoạch trong thời điểm này rất phấn khởi.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm