Phòng chống hạn, mặn: Tiền Giang không để người dân thiếu nước nước sinh hoạt

Thực hiện chỉ đạo ứng phó khẩn cấp triều cường và xâm nhập mặn theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Tiền Giang đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm đảm bảo phục vụ nước sinh hoạt cho gần 113.000 hộ với gần 409.000 dân ở các huyện phía Đông trước tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp trong mùa khô 2023 – 2024.

vna_potal_tien_giang_ap_dung_cac_mo_hinh_tuoi_tiet_kiem_nuoc_phong_chong_han_cho_vuon_sau_rieng_7296123.jpg
Vận hành tưới phun mưa cho vườn sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Ngày 31/3, bà Lê Hồng Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cho biết, trước tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp, UBND huyện Gò Công Đông đã ban hành công văn số 533/UBND-NN&PTNT Gò Công Đông về việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 trên địa bàn huyện.

Theo đó, Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông yêu cầu các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tập trung chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến nhân dân về diễn biến của tình hình thời tiết để chủ động ứng phó với tinh thần tích cực, khẩn trương, nhất là diễn biến của tình hình hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông phối hợp cùng các ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra chất lượng nguồn nước trên hệ thống công trình thủy lợi, rà soát những khu vực có khả năng thiếu nước, đặc biệt quan tâm giải pháp trữ nước cho sản xuất nông nghiệp (các khu vực tập trung sản xuất hoa màu, cây ăn trái) và nước sinh hoạt cho người dân trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt.

Đồng thời, ngành nông nghiệp huyện Gò Công Đông tiếp tục rà soát các vị trí lắp đặt vòi nước công cộng cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô năm 2023-2024 đối với những khu vực 2 chưa có tuyến ống cấp nước. Thường xuyên phối hợp kiểm tra độ mặn của nguồn nước nhất là tại khu vực các cống dưới đê biển, kịp thời phát hiện và đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng nước biển xâm nhập vào nội đồng.

Đến ngày 31/3, trên địa bàn huyện Gò Công Đông đã mở 62 vòi nước công cộng đảm bảo phục vụ nguồn nước sinh hoạt cho 3.208 hộ dân ở các xã Bình Ân, Vàm Láng, Tăng Hòa, Tân Điền, Tân Thành, Kiểng Phước… Một số vòi nước công cộng tùy theo thời điểm nhu cầu sử dụng có hiện tượng nước chảy yếu nhưng cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cho người dân trong mùa hạn mặn. Một số địa phương đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ các bình chứa nước 2.000 lít lấy nước từ các vòi nước công cộng sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Tiền Giang chia sẻ, để giải quyết tình trạng xảy ra thiếu nước trong mùa khô hàng năm, tỉnh Tiền Giang đã bố trí kinh phí đầu tư 5 tuyến ống chính để chuyển tải nguồn nước của Nhà máy nước Đồng Tâm về cho các huyện phía Đông và thực hiện Dự án Mạng lưới đường ống cấp nước phía Đông và Trạm bơm tăng áp Gò Công, kinh phí 345 tỉ đồng.

Để phát huy hiệu quả của dự án mạng lưới đường ống cấp nước phía Đông và Trạm bơm tăng áp Gò Công, đồng thời nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là giải quyết tình trạng thiếu nước xảy ra cục bộ trong các tháng mùa khô tại các huyện, thị xã phía Đông của tỉnh trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch số 435/KH-UBND ngày 17/10/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023-2025 và sau năm 2025.

Theo nội dung trong kế hoạch, tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục đầu tư 18 công trình cấp nước chính; 11 công trình thuộc dự án đầu tư mạng lưới cấp nước thứ cấp phục vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn; 350 công trình cấp nước vùng lõm với tổng kinh phí thực hiện 1.752 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, nhìn chung công tác cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại cơ bản ổn định. Công ty Cổ phần Nhà máy nước Đồng Tâm hoạt động, sản xuất ổn định, công suất phát ra dao động 63.000-65.000 m3/ngày đêm.

Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước Tiền Giang đã mở 77 vòi nước công cộng cấp miễn phí cho người dân sử dụng ở huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông. Công ty đã vận hành 16 giếng khoan dự phòng gồm: 6 giếng khu vực Mỹ Tho, 4 giếng tại xã Đăng Hưng và 6 giếng khoan dự phòng tại Nhà máy nước Bình Đức từ ngày 28/2/2024 với tổng sản lượng khai thác đến nay là 50.000 m3.

Về trữ lượng các ao chứa, công ty đang thực hiện bơm trữ duy trì thể 7 tích ao chứa để sản xuất nước sinh hoạt cấp cho người dân. Đối với các ao chứa không có nguồn bơm bổ cấp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo Công ty có phương án vận chuyển nước bơm bổ cấp vào các ao chứa để sản xuất nước sinh hoạt cho người dân.

Đồng thời, tùy theo diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn cũng như tình hình thiếu nước ngọt của người dân khi vào cao điểm trong mùa khô hạn 2023 – 2024, tỉnh Tiền Giang cũng dự kiến sẽ mở tiếp thêm các vòi nước công cộng phục vụ miễn phí cho nhân dân các huyện ven biển nhiều khó khăn như Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công và Tân Phú Đông.

Qua đó, đảm bảo hộ dân các xã vùng sâu, ngoài đê, ven cửa sông, ven biển, hộ sống phân tán chưa có nước từ các trạm cấp nước tập trung sử dụng có thể đến lấy nước miễn phí sinh hoạt, tránh tình trạng phải mua hoặc đổi nước ngọt dùng với giá đắt đỏ như trước đây, kiên quyết không để ai phải thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô 2023 – 2024.

Hữu Chí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm