Phòng chống hạn mặn: Ứng phó hiệu quả giúp tăng năng suất vụ Đông Xuân

Trước tình hình thời tiết thủy văn diễn biến phức tạp, hạn hán và xâm nhập mặn đang lấn sâu vào thượng lưu sông Tiền và hệ thống các sông rạch ở Đồng bằng sông Cửu Long, đến giữa tháng 3/2024, nông dân Tiền Giang đã cơ bản thu hoạch trên 45.000 ha lúa vụ Đông Xuân 2023 – 2024.

vna_potal_tien_giang_co_gioi_hoa_thu_hoach_giam_that_thoat_lua_dong_xuan_7247999.jpg
Máy gặt hoạt động trên cánh đồng huyện Cai Lậy. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Với năng suất bình quân 70 - 71 tạ/ ha, trong vụ Đông Xuân 2023 – 2024, địa phương dự kiến đạt sản lượng thu hoạch khoảng 320.000 tấn lúa.

Là vụ sản xuất chính trong năm, trong vụ Đông Xuân 2023 – 2024, Tiền Giang triển khai nhiều giải pháp thích hợp nhằm ứng phó hạn mặn, đảm bảo nông dân giành một vụ bội thu, thắng lợi, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống.

Tỉnh phân bố lịch thời vụ hợp lý cho từng vùng, tiểu vùng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, tránh hạn mặn gây hại lúc cuối vụ sản xuất, tạo điều kiện phân bố hợp lý thời vụ cho các vụ sản xuất kế tiếp trong năm.

Để nâng chất lượng hạt gạo xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nông dân sử dụng phổ biến các giống lúa thơm và lúa chất lượng cao, có khả năng chịu hạn và chịu mặn tốt, đặc biệt ưu tiên các giống lúa được thương lái hoặc doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ, bao tiêu, giải quyết đầu ra như VD 20, OM 6976, OM 7347, Nàng Hoa 9, OM 5451…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang tăng cường tập huấn, tuyên truyền đầu vụ những biện pháp chăm sóc cây trồng trong mùa khô hạn, xâm nhập mặn thông qua các biện pháp tăng cường sử dụng phân hữu cơ, trung vi lượng giúp tăng khả năng chống chịu trà lúa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thâm canh, cơ giới hóa các khâu làm đất, gieo sạ, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; tiết kiệm nước bơm tát phục vụ sản xuất khi hạn hán và xâm nhập mặn có diễn biến phức tạp,..

Việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đang mang lại hiệu quả thông qua việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ sản xuất và khắc phục khó khăn trong sản xuất. Các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới: chương trình 3 giảm 3 tăng; 1 phải 5 giảm, 1 phải 6 giảm; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... được tiếp tục triển khai và được nông dân áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, hình thành các vùng trồng lúa VD 20, lúa thơm, lúa chất lượng cao trong vùng ngọt hóa Gò Công cũng như vùng trồng lúa chất lượng cao tại các huyện vùng kiểm soát lũ phìa Tây.

vna_potal_tien_giang_co_gioi_hoa_thu_hoach_giam_that_thoat_lua_dong_xuan_7248000.jpg
Máy gặt hoạt động trên cánh đồng huyện Cai Lậy.Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Trong vụ Đông Xuân 2023 – 2024, tại Tiền Giang, nhiều mô hình liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng nhằm nâng chất lượng hạt lúa hàng hóa, nâng cao chuỗi giá trị trên cây lúa, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy) Lê Văn Hưng cho biết, trong vụ Đông Xuân 2023 – 2024, đơn vị liên kết với Công ty ADC sản xuất 100 ha theo tiêu chí GlobalGAP. Doanh nghiệp thu mua cao hơn thị trường 600 đ/kg, nông dân tổng thu trên 70 triệu đồng/ha, trừ chi phí vẫn còn lãi gần 50 triệu đồng/ha, tăng hơn khoảng 30% so với nông dân sản xuất bên ngoài.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây Lê Thị Thanh Minh, nằm trong vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh, địa phương đã thu hoạch trên 7.800 ha lúa vụ Đông Xuân, đạt 100% diện tích gieo sạ. Sản lượng thu hoạch trên 54.000 tấn lúa; trong đó, huyện duy trì vùng trồng lúa chất lượng cao 1.800 ha tại những địa bàn trọng điểm.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây, sản lượng cả vụ này tăng hơn 26.000 tấn so với vụ Đông Xuân năm trước. Các giống lúa chất lượng cao đang được nông dân canh tác phổ biến như ST 24, Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9, OM 5451… đều tiêu thụ thuận lợi, có giá cao, từ 8.000 - 9.400 đồng/kg tùy loại. Nhờ vậy, bà con đạt lợi nhuận bình quân trên 44,5 triệu đồng/ha, tăng hơn vụ Đông Xuân năm trước khoảng 5 triệu đồng/ha và cao nhất từ trước đến nay.

Tại huyện Cái Bè nằm đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang), nông dân đã thu hoạch toàn bộ 6.400 ha lúa vụ Đông Xuân 2023 – 2204. Vụ này được mùa, năng suất đạt bình quân từ 70 - 75 tạ/ha.

Hiện nay tranh thủ thời gian vừa thu hoạch xong lúa Đông Xuân 2023 – 2024, các huyện vùng kiểm soát lũ phía Tây như: Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy đang khẩn trương làm đất và xuống giống tiếp vụ Xuân Hè. Các huyện vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công chuyển trọng tâm sang ứng phó hạn mặn, bảo vệ vùng trồng cây ăn quả, rau màu và các cây trồng kinh tế khác, giảm nhẹ thiên tai.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm