Phòng chống hạn, mặn: Đảm bảo đủ nước cho sản xuất

Kết quả đo nồng độ mặn trong những ngày gần đây trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cho nồng độ mặn ở mức khá cao, nhất là tại các huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh, với mức từ 2 phần nghìn đến 9,5 phần nghìn. Theo dự báo, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Hậu Giang sẽ diễn ra gay gắt, khó lường do đang vào cao điểm mùa khô. Hậu Giang đang tập trung đảm bảo đủ nước sản xuất cho vùng nguy cơ hạn, ảnh hưởng xâm nhập mặn trong đợt cao điểm hạn, xâm nhập mặn trong thời gian tới.

vna_potal_hau_giang_khuyen_cao_nguoi_dan_chi_xuong_giong_lua_cac_vung_khong_co_nguy_co_bi_anh_huong_cua_xam_nhap_man_7274287.jpg
Làm đất chuẩn bị xuống giống lúa Hè Thu 2024 tại thành phố Vị Thanh. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Dự báo xâm nhập mặn hơn 10 phần nghìn

Tỉnh Hậu Giang đang bị ảnh hưởng xâm nhập mặn hai hướng khác nhau là từ biển Đông, mặn theo sông Hậu và các kênh Cái Côn, Mái Dầm và từ Đại Hải tỉnh Sóc Trăng qua các trục kênh cấp 2 uy hiếp huyện Châu Thành, thành phố Ngã Bảy và một phần huyện Phụng Hiệp.

Cùng với đó, nước mặn xâm nhập vào tỉnh Hậu Giang bằng các trục kênh chính qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Bạc Liêu. Nước mặn từ các trục kênh này ảnh hưởng đến thị xã Long Mỹ và một phần huyện Phụng Hiệp.

Và từ biển Tây, nước mặn theo sông Cái lớn và sông Nước Trong ảnh hưởng đến huyện Long Mỹ, một phần huyện Vị Thủy và thành phố Vị Thanh.

Theo ông Phạm Đức Toàn, Giám đốc Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang, dự báo từ nay đến 20/3, nước mặn ảnh hưởng triều biển Tây qua sông Cái Lớn và kênh Chắc Băng lên nhanh và ở mức cao, thời gian mặn xuất hiện cao nhất trong ngày từ 8 giờ đến 12 giờ và từ 16 giờ đến 20 giờ.

Trong thời gian tới, xâm nhập mặn triều biển Tây trên sông Cái Lớn và kênh Chắc Băng sẽ tăng nhanh và ở mức cao, sẽ xâm nhập sâu vào các sông, rạch tỉnh Hậu Giang. Đến ngày 20/3, dự báo một số địa điểm như tại UBND xã Lương Nghĩa (sông Ngan Dừa) sẽ có nồng độ mặn 10,3 phần nghìn, đầu Kênh 10 Thước (sông Nước Trong) sẽ có độ mặn 10,2 phần nghìn.

Cùng với đó, cũng theo Giám đốc Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang, mực nước khu vực tỉnh Hậu Giang trên các kênh, rạch và nội đồng của tỉnh sẽ xuống nhanh đến ngày 20/3 và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 0,15m đến 0,30m. Lưu lượng dòng chảy từ sông Hậu vào Hậu Giang sẽ giảm nhanh đến ngày 20/3. Lượng dòng chảy trên sông, rạch không đủ cung cấp cho sinh hoạt, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sẽ thiếu ở một số địa phương như huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ và một số xã ở thành phố Vị Thanh, huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, cho biết nồng độ mặn xâm nhập vào địa bàn tỉnh có khả năng tăng trong thời gian tới do triều cường và gió đông bắc. Hầu hết các địa phương của tỉnh đều bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn; trong đó, có khoảng 90 nghìn đến 100 nghìn ha vườn cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản và diện tích lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng.

Cao điểm ứng phó hạn, mặn

Hiện tất cả các cấp, các ngành của tỉnh Hậu Giang và nhân dân trong tỉnh nỗ lực thực hiện phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, cấp huyện tập trung toàn bộ các nguồn lực, chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền vận động người dân ra sức phòng, chống hạn và xâm nhập mặn có hiệu quả; các đơn vị và cán bộ chuyên môn triển khai khảo sát, quan trắc các vùng bị hạn, xâm nhập mặn thường xuyên.

Ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện tốt quản lý, khai thác vận hành các công trình thủy lợi, nạo vét bùn bồi lắng tại các cửa cống đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt triệt để và sử dụng nước có hiệu quả. Đồng thời, bộ phận chuyên môn theo dõi chặt chẽ, dự báo ảnh hưởng của xâm nhập mặn, thông tin kịp thời, bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, cung cấp nguồn nước ngọt; hướng dẫn kỹ thuật đẩy mạnh phát triển thủy sản trong điều kiện xâm nhập mặn kéo dài, nguồn nước ngọt hạn chế.

Nhất là thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, khuyến cáo người dân tuyệt đối không xuống giống lúa ở các vùng đang tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, chỉ tổ chức xuống giống khi có xuất hiện mưa, hoặc khi nguồn nước đảm bảo cung cấp ổn định và theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương.

Theo ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, các cấp, các ngành liên quan và người dân các địa bàn bị ảnh hưởng hạn, mặn đang tích cực triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn theo kế hoạch đề ra. Ngành chức năng luôn đảm bảo công tác kiểm tra nồng độ mặn hàng ngày và thông báo kịp thời đến với người dân và chính quyền địa phương để chủ động ứng phó xâm nhập mặn trong thời gian tới.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện Châu Thành, Nguyễn Văn Kiệt, cho biết huyện đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn chỉ đạo cán bộ thường xuyên kiểm tra độ mặn tại các kênh chính trên địa bàn các đơn vị thị trấn Mái Dầm, xã Phú Hữu, xã Phú Tân, xã Đông Phước, thị trấn Ngã Sáu có nguy cơ ảnh hưởng xâm nhập mặn. Khi nồng độ mặn tăng cao sẽ thông báo cho người dân, cũng như đóng cống ngăn không cho mặn vào.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nắm số hộ dân bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, nhất là đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số... để kịp thời thực hiện giải pháp hỗ trợ cho người dân phù hợp với thực tế tại vùng bị hạn, xâm nhập mặn không để dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Nhất là việc quản lý các trạm cấp nước dự phòng (nước dưới đất) sẵn sàng, chủ động phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân khi mặn xâm nhập sâu vào nội đồng theo dự báo. Cũng như thông báo cho người dân có kế hoạch tích trữ và sử dụng nước tiết kiệm trong thời gian nước mặn xâm nhập. Đặc biệt là huy động mọi nguồn lực, mọi phương tiện đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, khi cần thiết sẽ áp dụng kế hoạch cúp nước luân phiên ở một số tuyến để điều phối nước cung cấp cho người dân sử dụng.

Cũng như cử cán bộ thường xuyên kiểm tra mặn ngoài sông chính khi độ mặn đo được 1,5‰ thì tiến hành vận hành các cống, đập cải tiến có sẵn, đắp đập thời vụ tại các đầu kênh để ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đảm bảo đủ nước sản xuất cho vùng nguy cơ hạn, ảnh hưởng xâm nhập mặn; tổng diện khoảng 90.000 ha đến 110.000 ha, bao gồm vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024, lúa Hè Thu 2024 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, một phần huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Đối với vùng nguy cơ xâm nhập mặn, ảnh hưởng hạn; tổng diện tích khoảng 50.000 ha đến 60.000 ha, bao gồm vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024, Hè Thu 2024 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy, một phần huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.

Hồng Dân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm