Trước tình hình hạn, mặn xâm nhập diễn biến phức tạp, người dân ở vùng dự án ngọt hóa Gò Công của Tiền Giang đang triển khai quyết liệt nhiều biện pháp để bảo đảm nguồn nước tiêu, phục vụ sản xuất, bảo vệ vườn cây ăn trái.
Theo thông báo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, mực nước ở các kênh trục chính ở các địa phương trong vùng dự án ngọt Gò Công đang dần cạn, lượng nước chỉ còn từ dưới 0,47 mét đến 0,45 mét. Do độ mặn ở sông Tiền, sông Soài Rạp, kênh Chợ Gạo còn cao nên cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) chưa thể mở cống để lấy nước ngọt nên khả năng thiếu hụt nguồn nước ngọt phục vụ tưới tiêu trong những ngày tới là có thể xảy ra nếu việc này kéo dài.
Ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cho biết: Tất cả diện tích trồng trọt trên địa bàn huyện không bị ảnh hưởng hạn, mặn nhờ địa phương đã chủ động tích trữ nước, chú trọng công tác thủy lợi trong giai đoạn đầu. Đối với cây lúa đang ở giai đoạn chín thu hoạch là 4.329 ha, giai đoạn ngậm sữa chắc xanh là 827,23 ha sẽ thu hoạch dứt điểm khoảng ngày 15/3/2024. Đối với cây màu, diện tích đã thu hoạch là 975 ha (không xuống giống tiếp), còn 375 ha cho hoa trái. Đối với cây thanh long, người dân được khuyến cáo không xử lý ra hoa trái vụ trong mùa nắng, riêng dừa xiêm có khả năng chịu mặn, bưởi da xanh ứng dụng nước tưới tiết kiệm.
Tại xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, Ủy ban nhân dân xã trên đang triển khai nhiều biện pháp để ứng phó tình hình hạn, mặn kéo dài. Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang Lê Tấn Thành cho biết, xã thường xuyên thông báo tình hình hạn, mặn cho người dân biết; đồng thời, khuyến cáo người dân chủ động bơm trữ nước, trục vớt các chướng ngại vật dưới lòng kênh, mương để giữ nguồn nước sạch trong mùa khô.
Về các giải pháp công trình, UBND xã Đồng Sơn tiếp tục rà soát các tuyến kênh nội đồng để họp dân tiến hành nạo vét, trữ nước ngọt phục vụ tưới tiêu. Đối với 468 ha thanh long trên địa bàn xã, cán bộ nông nghiệp khuyến cáo nông dân không xử lý ra hoa nghịch vụ, tưới nước tiết kiệm, cán bộ xã, ấp tổ chức cho người dân bơm gạn nước từ các kênh chính vào kênh nội đồng để tưới tiêu.
Ngoài ra, chính quyền xã cũng khuyến cáo nông dân nên tiết kiệm nước, áp dụng các biện pháp phủ gốc thanh long bằng rơm, lục bình để giữ độ ẩm... Bên cạnh đó, UBND xã còn tăng cường gia cố các cống đập ngăn mặn nhằm phòng tránh nước mặn từ sông Tra xâm nhập vào các tuyến kênh nội đồng. Theo đánh giá sơ bộ, lượng nước ngọt ở ba tuyến kênh trục chính là kênh Rạch Kiến, kênh Rạch Lá và kênh Rạch Hươu còn có thể phục vụ tưới tiêu trong thời gian khoảng 2 tuần nữa.
Tại xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, UBND xã tập trung ưu tiên chống hạn cho diện tích 100 ha thanh long ruột đỏ đang cho trái. Các hộ trồng thanh long đã phối hợp cùng cán bộ ấp để xã hội hóa hoạt động bơm trữ nước ngọt bảo đảm tưới tiêu cho vườn thanh long. Ông Võ Văn Ra, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông chia sẻ: "Được sự quan tâm của chính quyền xã trong việc nạo vét tuyến kênh trục chính nên nguồn nước ngọt hiện nay còn phục vụ tưới tiêu cho các vườn thanh long trong khu vực chuyển trên 100 ha đất ven biển sang trồng thanh long. Tuy nhiên, trước dự báo tình hình hạn, mặn có thể kéo dài, chúng tôi cùng với chính quyền nỗ lực trữ nước, áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước để vượt qua mùa hạn, mặn năm 2024".
Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang trao đổi: Trước tình hình xâm nhập mặn đã lấn sâu vào nội đồng, UBND huyện phối hợp Văn phòng cấp nước Gò Công Đông khảo sát mở 21 vòi nước công cộng phục vụ nước sinh hoạt mùa khô; đồng thời phối hợp Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi vận hành lấy nước chuẩn bị xổ xả hệ thống ngọt hóa phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân. UBND các xã, thị trấn thường xuyên rà soát tình hình mực nước, kênh mương để có báo cáo kịp thời nhằm triển khai linh hoạt các biện pháp phòng chống hạn mặn, đạt hiệu quả.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình hạn, mặn những ngày vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Công văn số 1329/UBND-KT ngày 12/3 về việc khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, mặn trên địa bàn tỉnh.
Theo Công văn, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh và Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên cấp nước, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi khẩn trương triển khai các phương án, giải pháp ngăn mặn, tổ chức gia cố đập, đê bao, bờ bao, cửa cống để thực hiện trữ nước tưới không để mặn xâm nhập vào vườn cây ăn trái gây thiệt hại trên địa bàn quản lý.
Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước Tiền Giang tăng cường kiểm tra vận hành các nhà máy nước, các trạm cấp nước đảm bảo không để xảy ra sự cố gián đoạn trong việc cấp nước cho người dân; tiếp tục mở các vòi nước công cộng theo kế hoạch để người dân thuộc các xã vùng sâu, ngoài đê, các hộ chưa được sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung đến lấy nước miễn phí; chủ động bơm bổ sung cấp nguồn nước tích trữ vào các ao chứa để xử lý cung cấp cho người dân; xây dựng phương án đảm bảo nước sinh hoạt cho các địa phương phía Đông trong suốt mùa khô năm 2024…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tiền Giang cũng chỉ đạo các ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm nội dung các chỉ đạo về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh theo phương án đã được đề ra.
Trước tình hình hạn, mặn còn diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nông dân theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, độ mặn trên kênh mương nội đồng để có biện pháp ứng phó hữu hiệu; đồng thời, rà soát, củng cố hệ thống đê bao phòng, chống hạn hán và triều cường, chống xâm nhập mặn, quyết tâm bảo vệ an toàn sản xuất và dân sinh.
Hữu Chí