Phòng chống hạn mặn: Bạc Liêu xây dựng 3 kịch bản ứng phó

Chiều ngày 14/3, Đoàn công tác Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) do ông Nguyễn Hồng Khanh – Cục phó Cục Thủy lợi làm Trưởng đoàn có buổi làm việc tại tỉnh Bạc Liêu về tác chuẩn bị ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

vna_potal_bac_lieu_thuc_hien_co_hieu_qua_phong_chong_han_man_7271439.jpg
Ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Tuấn Kiệt - TTXVN

Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong Kế hoạch Sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu vụ mùa 2023 – 2024.

Cụ thể, kịch bản 1: Diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 ít gay gắt như mùa khô năm 2015 – 2016; Kịch bản 2: Diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 gay gắt, tương đương như mùa khô năm 2015 – 2016; Kịch bản 3: Diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 gay gắt hơn mùa khô năm 2015 - 2016.

Từ sự phân tích, đánh giá tình hình, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu chọn kịch bản 2 là kịch bản khả thi để triển khai ứng phó hạn, mặn. Kinh phí ứng phó hạn, mặn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu theo kịch bản 2 là hơn 21 tỷ đồng. Tỉnh đưa ra 2 nhóm giải pháp ứng phó với El Nino. Cụ thể đối với nhóm giải pháp công trình, tỉnh Bạc Liêu đã tăng cường thi công, sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi, cấp nước sạch nông thôn; chuẩn bị phương án đắp đập tạm để tổ chức bơm chuyền vào các tháng cao điểm mùa khô cho vụ Đông Xuân.

Đối với nhóm giải pháp phi công trình, tỉnh Bạc Liêu tăng cường thông tin, tuyên truyền để mọi người dân nắm rõ diễn biến thời tiết trong mùa khô, từ đó chủ động phòng tránh các tác hại đến sản xuất và đời sống, chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.

Các cơ quan chuyên môn thường xuyên thông báo tình hình diễn biến thời tiết, xâm nhập mặn ở các kênh mương trên đồng ruộng đến người dân; tổ chức kiểm tra chất lượng nguồn nước; có kế hoạch điều tiết nước hợp lý, thông báo kịp thời cho nông dân biết nguy cơ xâm nhập mặn, ngập úng ảnh hưởng đến sản xuất. Đồng thời hướng dẫn nông dân kiểm tra độ mặn trước khi bơm nước vào ruộng, tránh để nước mặn xâm nhập làm thiệt hại cây trồng. Ngành nông nghiệp khuyến cáo sản xuất lúa ngắn ngày, điều chỉnh thời vụ, đưa ra lịch xuống giống sớm hơn ít nhất 15 ngày so với các năm trước.

vna_potal_bac_lieu_thuc_hien_co_hieu_qua_phong_chong_han_man_7271437.jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Tuấn Kiệt - TTXVN

Đối với việc cung cấp nước sinh hoạt, các hệ thống cấp nước sạch tập trung ở các đô thị và nông thôn tỉnh Bạc Liêu sử dụng 100% là nguồn nước ngầm được khai thác cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Hiện nay, nguồn nước ngầm được đánh giá chất lượng tốt, trữ lượng dồi dào vẫn bảo đảm cung cấp nước cho người dân trong thời gian tới.

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đang quản lý, vận hành 115 hệ thống cấp nước tập trung, phục vụ 82.080 hộ dân và một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Ngay từ đầu mùa khô, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh trường nông thôn Bạc Liêu, Công ty cổ phần Cấp nước Bạc Liêu đã tổ chức kiểm tra lại toàn bộ các trạm cung cấp nước để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân. Đến nay, các trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo hoạt động bình thường, liên tục.

Tính đến ngày 14/3, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu chưa có thiệt hại về sản xuất nông nghiệp; vẫn đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho nhân dân.

Tại buổi làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu kiến nghị với Đoàn công tác chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Thủy lợi miền Nam - Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phối hợp với tốt với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu vận hành có hiệu quả cống âu thuyền Ninh Quới.

Tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng trạm bơm tại cống âu thuyền Ninh Quới, để ngăn hoàn toàn nước mặn chảy về Sóc Trăng khi vận hành cống; kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, gồm: Cống Xẻo Chích thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu cùng huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Dự kiến chiều rộng cống là 30m, kinh phí đầu tư là 300 tỷ đồng; xây mới hệ thống các cống phía Bắc kênh Quản Lộ Phụng Hiệp, gồm 16 cống, dự kiến kinh phí đầu tư là 350 tỷ đồng. Cùng đó, nạo vét 8 trục kênh cấp 1 tổng chiều dài 120,5 km, dự kiến kinh phí đầu tư là 475 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Khanh – Cục phó Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Bạc Liêu trong việc nhận định tình hình, xây dựng và triển khai các kịch bản ứng phó nên đã không xảy ra thiệt hại do hạn mặn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh cho rằng dù chưa thiệt hại, nhưng nguy cơ vẫn rất cao nhất là chưa phải trong cao điểm của hạn mặn. Đồng thời, ông Khanh đề nghị Bạc Liêu cần nâng cao cảnh giác, nắm bắt tình hình triển khai kịp thời các giải pháp khi có phát sinh bất lợi. Đặc biệt là tăng cường thông tin đến người dân để không chủ quan sản xuất khi điều kiện không đảm bảo.

Ông Khanh cũng đề nghị tỉnh Bạc Liêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cấp nước tập trung, nhất là các dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ người dân khu vực nông thôn sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.

Tuấn Kiệt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm