Ông Lê Thành Tăng làm giàu từ nuôi tôm nơi cù lao nhiễm mặn

Là huyện cù lao nhiễm mặn nằm ở hạ lưu sông Tiền, điều kiện thiên nhiên ở Tân Phú Đông, Tiền Giang rất khắc nghiệt, mỗi năm phải chịu từ 6 đến 9 tháng nhiễm mặn, trồng trọt và chăn nuôi đều gặp khó khăn. Nhằm biến thách thức thành cơ hội, chính quyền huyện khuyến khích người dân chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa một vụ sang nuôi thủy sản xuất khẩu, chủ yếu tôm thẻ, tôm sú…

vna_potal_ty_phu_tom_mien_dat_man_tien_giang_7186858.jpg
Ông Lê Thành Tăng chăm sóc tôm trong đầm. Ảnh: Minh Trí – TTXVN

Ông Lê Thành Tăng là gương điển hình trong chuyển đổi sản xuất ở địa phương. Nông dân Lê Thành Tăng ngụ tại ấp Kênh Nhiếm, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông. Hưởng ứng chủ trương nhà nước về phát triển nuôi trồng thủy sản xuất khẩu trên nền đất lúa kém hiệu quả, năm 2006, ông mạnh dạn chuyển 1 ha đất trồng lúa năng suất thấp sang nuôi tôm thẻ.

Theo ông Lê Thành Tăng, tôm thẻ phù hợp trong các mô hình nuôi thủy sản nước mặn, lợ tại địa phương. Ông Tăng chọn mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh bởi cho năng suất, sản lượng cao và hiệu quả kinh tế vượt trội so với trồng trọt và chăn nuôi truyền thống.

Ông Tăng cho biết: "Để thành công, người nuôi tôm thẻ phải am hiểu và nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi, chú trọng từ khâu đào ao cho đến xử lý ao nuôi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, đồng thời phải chọn tôm giống tốt, chất lượng, được kiểm dịch chặt chẽ từ những cơ sở cung cấp giống uy tín. Bên cạnh đó, mật độ thả tôm vừa phải, không thả quá dày để tôm mau lớn, ít thất thoát; chăm sóc và cho ăn cần theo đúng kỹ thuật và quy trình được hướng dẫn. Đặc biệt, người nuôi cần chủ động phòng, chống bệnh cho tôm trong suốt vụ tôm".

Theo ông Tăng, trong quá trình nuôi tôm, nếu gặp sự cố, người nuôi phải có ý thức cộng đồng, không xả chất thải nuôi đã bị nhiễm mầm bệnh ra môi trường xung quanh khi chưa được xử lý theo quy định, tránh ảnh hưởng đến vùng nuôi. Ngoài ra, người nuôi tôm tuyệt đối không được sử dụng các loại hóa chất bị cấm dùng trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo chất lượng tôm thương phẩm khi thu hoạch, đưa ra thị trường.

vna_potal_ty_phu_tom_mien_dat_man_tien_giang_7186870.jpg
Diện tích nuôi tôm thâm canh của gia đình ông Tăng. Ảnh: Minh Trí – TTXVN

Vừa nuôi vừa đúc kết kinh nghiệm, mở rộng sản xuất, đến nay, sau gần 20 năm gắn bó với tôm thẻ, đến nay ông đã có cơ ngơi khoảng 3 ha tôm nuôi trên huyện cù lao Tân Phú Đông. Trung bình, mỗi năm ông thu hoạch từ 27 đến 30 tấn tôm thương phẩm. Sau khi trừ chi phí, ông đạt lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Lợi nhuận từ nuôi tôm thâm canh được ông tích lũy đầu tư thêm 5 nhà nuôi yến, mở thêm cơ sở kinh doanh các thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y thủy sản theo mô hình kinh doanh tổng hợp, mang lại hiệu quả cao. Ước tính, mỗi năm, từ mô hình kinh doanh tổng hợp trên, gia đình ông thu lợi nhuận trên 2 tỷ đồng.

Ông Tăng còn giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động trên đất cù lao với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng, góp phần tạo thu nhập ổn định cho người lao động, giảm nghèo nông thôn ở địa bàn khó khăn. Không chỉ nổi tiếng là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, tiêu biểu của địa phương, vượt khó vươn lên tạo dựng cơ nghiệp bền vững, ông còn được người dân cù lao mến mộ bởi tấm lòng vì cộng đồng, tích cực hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo trên tinh thần “chung sức vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Mỗi năm, ông đóng góp trên 10 triệu đồng làm công tác từ thiện, xã hội, chăm lo giúp đỡ hộ nghèo tại huyện Tân Phú Đông. Ngoài ra, ông còn tài trợ thường xuyên cho 30 hộ nghèo tại địa phương với mức 300.000 đồng/hộ/mỗi tháng.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn đánh giá cao mô hình làm kinh tế và ý thức hết lòng vì cộng đồng của ông Lê Thành Tăng. Ông Bùi Thái Sơn cho biết, mô hình nuôi tôm thâm canh của ông Lê Thành Tăng đang được nhân rộng tại địa phương, đưa Tân Phú Đông trở thành một trong những vùng nuôi tôm nước mặn, lợ trọng điểm của tỉnh Tiền Giang với tổng diện tích gần 7.200 ha, mỗi năm đạt sản lượng tôm thương phẩm trên 37.000 tấn.

Theo Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông, hằng năm, ông Lê Thành Tăng đều được vinh danh nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang. Năm 2018, ông Lê Thành Tăng còn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích tiêu biểu trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm