Tận dụng mặt nước lòng hồ thủy điện, nhiều hộ dân ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đã phát triển nghề nuôi cá lồng, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ. Là một trong những hộ tiên phong nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Trung Sơn, gia đình ông Nguyễn Biên Cương ở bản Tà Bán, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa có 7 lồng nuôi cá, chủ yếu là trắm, chép, lăng đen, lăng hoa…, thu nhập 150 - 160 triệu đồng/năm.
Cũng như gia đình ông Cương, hàng chục hội viên Hội Nông dân xã Điền Lư, huyện Bá Thước đã đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Bá Thước 2. Để góp phần tăng sản lượng, địa phương tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ người nuôi kỹ thuật chọn cá giống, mật độ thả cá, quy trình chăm sóc, thường xuyên làm vệ sinh lồng nuôi nhằm bảo đảm nước lưu thông, đủ oxy và biết cách phòng trừ dịch bệnh cho cá…
Bà Hà Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, toàn tỉnh có 610 hồ chứa nước lớn nhỏ và 11 dự án thủy điện đang hoạt động. Các công trình này tạo ra diện tích mặt hồ lớn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cải thiện kinh tế, nâng cao thu nhập.
Khiếu Tư