Năm 2023, tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu nuôi cá lồng bè trên biển với 4.000 lồng, sản lượng 4.100 tấn. Đến nay, tỉnh đã phát triển hơn 1.930 lồng, đạt 48,2% kế hoạch, tập trung tại các khu vực ven biển, ven đảo thuộc 2 huyện Kiên Lương, Kiên Hải và 2 thành phố Hà Tiên, Phú Quốc. Sản lượng cá thu hoạch hơn 230 tấn, với các đối tượng có giá trị kinh tế cao như: cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, tỉnh khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển nuôi biển giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, ưu tiên bố trí, sắp xếp nghề nuôi biển như cá lồng bè, nhuyễn thể, đối tượng thủy sản khác theo hướng tập trung, liên kết sản xuất bền vững, gắn với công tác giao khu vực biển, cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi lồng bè trên biển theo quy định.
Tỉnh tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi gắn với quan trắc môi trường nước và cảnh báo dịch bệnh trên thủy sản để kịp thời thông báo đến người nuôi thủy sản chủ động sản xuất an toàn, hiệu quả.
Theo đó, tỉnh tập trung triển khai thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong nuôi biển năm 2023 và xây dựng kế hoạch triển khai các mô hình khuyến nông thúc đẩy nuôi biển từ nay đến năm 2030. Trong đó, ưu tiên mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật về vật liệu mới như kết cấu lồng nuôi bằng nhựa HDPE, lồng lưới chịu lực, sử dụng thiết bị máy móc phụ trợ, chiếu sáng trên bè bằng năng lượng mặt trời…
Tiếp đến, cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện mô hình như: Liên kết chuỗi sản xuất, nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao, nuôi cá lồng bè sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế thức ăn cá tạp, khuyến cáo hộ nuôi cá đầu tư lồng nuôi bằng vật liệu HDPE thay thế lồng gỗ truyền thống…
Đồng thời, tăng cường năng lực chẩn đoán và phòng ngừa dịch bệnh trong các khu nuôi biển trọng điểm, tập trung kết hợp với tập huấn, hướng dẫn người nuôi phòng, trị bệnh trên đàn cá nuôi, áp dụng các biện pháp xử lý khi dịch bệnh xuất hiện, khống chế không để lây lan ra diện rộng.
Mặt khác, cơ quan chuyên môn cùng với địa phương tập huấn, hướng dẫn các quy định pháp luật về đăng ký, cấp phép nuôi biển, phổ biến những nội dung quan trọng của đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 cho các tổ chức và hộ dân.
Đơn vị chức năng mở lớp chuyển giao kỹ thuật và phòng, chống dịch bệnh trên cá nuôi lồng bè, bảo vệ môi trường vùng nuôi cho người dân. Mở lớp đào tạo kỹ thuật viên về lắp đặt hệ thống lồng HDPE, tập huấn cho cán bộ quản lý, kỹ thuật viên trang trại nuôi cá biển công nghiệp quản lý vùng nuôi về môi trường, nguồn nước và những vấn đề khác có liên quan đến nuôi cá lồng bè trên biển.
Hiện nay, Kiên Hải là huyện đảo phát triển mạnh nhất nuôi cá lồng bè của tỉnh Kiên Giang với quy mô đặt ra năm 2023 là 1.200 lồng bè, sản lượng thu hoạch 1.250 tấn cá. Từ đầu năm đến nay, huyện đảo này đã phát triển 1.086 lồng bè, sản lượng cá thu hoạch hơn 65 tấn.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải cho biết, cùng với phát triển nuôi cá lồng bè trên biển truyền thống là thế mạnh kinh tế của huyện, Kiên Hải đang triển khai 2 dự án nuôi biển quy mô lớn gồm: Dự án trung tâm nuôi trồng hải sản xuất khẩu do Công ty cổ phần Tập đoàn Mavin làm chủ đầu tư có quy mô 2.000 ha mặt nước biển và 6 ha đất tại Hòn Hàng thuộc xã An Sơn. Dự án dự kiến bố trí 1.100 lồng nuôi tròn, sản lượng thiết kế lên đến 30.000 tấn cá thương phẩm mỗi năm.
Tiếp đến, dự án nuôi trồng, sản xuất giống, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu cá, rong biển và các loại thủy hải sản khác do Công ty Trách nhiệm hữu hạn thủy sản Australis Việt Nam làm chủ đầu tư có tổng diện tích sử dụng 425 ha mặt nước biển và 3 ha mặt đất; trong đó, có 420 ha ở vùng biển xã An Sơn để nuôi cá và rong biển.
Lê Huy Hải