Huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) có cảnh quan thiên nhiên được ví như “Vịnh Hạ Long” phương Nam, với nhiều lợi thế phát triển du lịch. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, giờ huyện đang đẩy nhanh khôi phục, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh này.
Vịnh Hạ Long phương Nam
Huyện Kiên Lương với cảnh quan thiên nhiên có sự kết hợp khá hài hòa giữa núi đồi, biển cả, hang động và các cụm đảo ven bờ. Nếu như Mo So huyền bí, gắn với biết bao chiến tích lẫy lừng từng che chở cho hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ thì thắng cảnh Chùa Hang - Hòn Phụ Tử hiền hòa, thơ mộng. Trong khi Ba Hòn Đầm sóng biển rì rào va vào vách đá, thì Hòn Nghệ dịu êm, lung linh về đêm… Nhiều du khách từng đến và trải nghiệm du lịch ở Kiên Lương đều có chung nhận xét: Kiên Lương giống như “Vịnh Hạ Long” của phương Nam.
Sau thời gian trùng tu, chỉnh trang Khu du lịch Chùa Hang - Hòn Phụ Tử, đến nay danh thắng cấp quốc gia này khoác lên mình diện mạo mới đẹp hơn, sạch hơn. Nhiều du khách tỏ ra ấn tượng, thích thú với khu du lịch này và cho biết sẵn sàng quay trở lại đây cùng bạn bè, người thân.
Dịp cuối tuần có khá đông du khách từ các tỉnh, thành phố đến tham quan Khu du lịch Chùa Hang - Hòn Phụ Tử. Anh Nguyễn Thanh Vũ, du khách đến từ tỉnh Tiền Giang cho biết, cách đây khoảng 5 năm có đến đây rồi, nay trở lại thấy Hòn Phụ Tử khác quá. Mọi thứ được chỉnh trang đẹp, sạch sẽ hơn. Sau khi gửi xe, khách không phải đi bộ như trước nữa mà được đi xe điện vào tham quan bên trong khuôn viên Chùa Hang, Hòn Phụ Tử.
Theo ông Hồ Văn Lực, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh huyện Kiên Lương - đơn vị quản lý Khu du lịch Chùa Hang - Hòn Phụ Tử, sau thời gian chỉnh trang, Khu du lịch mở cửa đón khách trở lại từ đầu tháng 2/2022, đến nay đã đón gần 95.000 lượt khách đến tham quan. Riêng dịp lễ 30/4 và 1/5 có trên 10.000 lượt du khách đến tham quan, trong đó có gần 500 du khách nghỉ qua đêm. Du khách tỏ ra khá thích thú với diện mạo mới của nơi này. Hiện huyện tiếp tục hoàn thiện một số chi tiết hạ tầng còn lại trong khu du lịch; tăng cường công tác đảm bảo an toàn, chất lượng phục vụ du khách đến tham quan và nhất là công tác xúc tiến quảng bá, liên kết với các điểm du lịch trong và ngoài huyện để khai thác hiệu quả hơn đối với khu du lịch.
Khu du lịch Chùa Hang - Hòn Phụ Tử thuộc xã Bình An. Nơi đây có nhiều hang động, núi đá với hình thù đặc sắc, bờ biển cát vàng tự nhiên và nước trong xanh khá đẹp. Riêng ngôi chùa Hải Sơn Tự nằm trong hang động lớn, phù hợp nhu cầu du lịch tâm linh… Để khai thác hiệu quả khu du lịch, huyện Kiên Lương đã nâng cấp các trục đường kết nối dẫn vào khu du lịch tổng chiều dài trên 6 km, mở rộng bãi đỗ xe trên 8.000 m2, xây dựng bờ kè khoảng 1 km, xây mới nhà nghỉ chân cho du khách, khu vệ sinh công cộng, khu nhà điều hành. Riêng khu vực bến tàu đã được đầu tư mở rộng với quy mô 4 - 5 tàu, sức chở tối đa 45 khách/tàu…
Theo nhiều du khách đến tham quan Khu du lịch Chùa Hang - Hòn Phụ Tử, điểm cộng của nơi này chính là ẩm thực hấp dẫn, nhất là hải sản tươi sống, giá phải chăng, không chèo kéo khách. Chị Hoàng Thị Thơm, du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, Hòn Phụ Tử vốn nổi tiếng rất lâu nhưng đến nay mới có dịp đến. Đến nơi đây khá thú vị, cảnh quan đẹp, nhiều khu vực để khám phá, như khuôn viên chùa Hang, động Kim Cương, nghe kể về những giai thoại, truyền thuyết về nơi này. Hấp dẫn nhất ở đây là thưởng thức hải sản tươi, giá rẻ. Ngoài ra, du khách còn có thể mua các loại khô cá, mực về làm quà cho bạn bè, người thân…
Khôi phục tiềm năng, lợi thế vùng biển đảo
Theo Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương Lê Thanh Hưởng, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIII nhiệm kỳ 2020-2025, huyện phấn đấu đến năm 2025, thu hút 3 triệu lượt khách tham quan du lịch; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống giai đoạn 2020-2025 tăng trung bình 6,32%/năm (ước đạt khoảng 1.250 tỷ đồng vào năm 2025).
Để thực hiện đạt các nhiệm vụ, chỉ tiêu trên, UBND huyện Kiên Lương tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vai trò ngày càng quan trọng của ngành du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh thực hiện quảng bá, giới thiệu thương hiệu hàng hóa, dịch vụ - du lịch của Bình An, Sơn Hải, Hòn Nghệ, Dương Hòa tạo nên thương hiệu du lịch của huyện.
Tới đây, Kiên Lương phối hợp với tỉnh điều chỉnh hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch, nhất là quy hoạch chi tiết Khu danh thắng Bãi Dương, Ba Hòn Đầm; bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử và thắng cảnh núi Mo So. Bên cạnh đó, huyện nghiên cứu đề xuất chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình đầu tư, nâng cấp các cơ sở kinh doanh du lịch, phát triển du lịch cộng đồng, các cơ sở nghề truyền thống, các dịch vụ bổ trợ… Ngoài ra, huyện Kiên Lương nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với tài nguyên du lịch biển đảo với các loại hình lưu trú, nghỉ dưỡng, ẩm thực, các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, nghiên cứu về hệ sinh thái biển, đảo; chú trọng công tác giữ gìn cảnh quan thiên nhiên... Từ đó khai thác tốt hơn thế mạnh của địa phương.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Lê Thanh Hưởng, Kiên Lương đang tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của địa phương đến các thị trường du lịch trong và ngoài tỉnh; tập trung kêu gọi thu hút đầu tư du lịch; có các cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư.
Trong chiến lược phát triển du lịch địa phương, Kiên Lương phát triển theo hướng bền vững, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch, gắn với bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy các nguồn lực, tạo bước phát triển mới cho kinh tế du lịch. Huyện tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ - du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện vào năm 2035.
Lê Sen