Sáng 28/4, tại phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo “Phát triển nuôi biển bền vững tỉnh Kiên Giang”, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, các viện nghiên cứu chuyên ngành, trường Đại học, doanh nghiệp nuôi biển; lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, các sở, ngành và địa phương có liên quan và người nuôi biển trên địa bàn tỉnh.
Tại hội thảo, nhiều tham luận của các nhà khoa học đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển nuôi biển bền vững tỉnh Kiên Giang; đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp ở tỉnh Kiên Giang; nêu tổng quan thực hiện dự án nuôi biển công nghiệp tại tỉnh; công nghệ cho nuôi cá biển công nghiệp bền vững; hợp tác thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ nuôi biển; giới thiệu các thiết bị lồng bè nuôi biển công nghệ cao; ngư dân chia sẻ kinh nghiệm mô hình nuôi cá lồng bè đạt hiệu quả…
Tham luận của các nhà khoa học đều khẳng định, tỉnh Kiên Giang có tiềm năng, lợi thế, điều kiện môi trường biển để phát triển mạnh nuôi biển với đa dạng loại hình nuôi, đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nuôi biển của tỉnh tập trung ở các huyện Kiên Hải, Kiên Lương, An Biên, An Minh, Hòn Đất và hai thành phố Hà Tiên, Phú Quốc.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, số lượng lồng nuôi biển đạt 7.500 lồng; trong đó, nuôi truyền thống 4.700 lồng và nuôi công nghệ cao 1.900 lồng, còn lại là nuôi thủy sản khác. Sản lượng nuôi biển 113.530 tấn; trong đó, nuôi lồng bè 29.870 tấn, nhuyễn thể 83.660 tấn và 260.000 viên ngọc trai.
Tiếp đó, đến năm 2030, số lượng lồng nuôi biển đạt 14.000 lồng; trong đó, nuôi truyền thống 5.300 lồng và nuôi công nghệ cao 6.600 lồng, còn lại là nuôi thủy sản khác. Sản lượng nuôi biển 207.190 tấn; trong đó nuôi lồng bè 105.720 tấn, nhuyễn thể 101.470 tấn và 520.000 viên ngọc trai.
Năm 2021, diện tích nuôi biển hơn 21.000 ha, sản lượng khoảng 69.300 tấn, so với nghề nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh, chiếm 7,5% về diện tích và 24,3% về sản lượng; trong đó, nuôi cá lồng bè trên biển 3.612 lồng, sản lượng gần 3.100 tấn; nuôi nhuyễn thể như sò huyết, sò lông, vẹm xanh, hến biển… diện tích hơn 20.200 ha, sản lượng 66.179 tấn.
Ngoài ra, diện tích nuôi trai lấy ngọc ở Phú Quốc khoảng 200 ha, sản lượng thu hoạch từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn viên ngọc thành phẩm. Nghề nuôi ngọc trai này, ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế, còn góp phần tạo nên nét đặc trưng riêng của du lịch Phú Quốc.
Dù vậy, nghề nuôi biển của Kiên Giang cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định như lồng bè nuôi cá hầu hết theo kiểu truyền thống làm bằng vật liệu gỗ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thức ăn cho cá biển nuôi chủ yếu là cá tạp, chưa chủ động được con giống nuôi về số lượng và kiểm soát chất lượng, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ còn hạn chế, bị động về thị trường, giá cả. Nuôi nhuyễn thể ven bờ dễ bị ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường.
Nghề nuôi biển hiện nay của Kiên Giang thiếu cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp và người dân để mạnh dạn đầu tư ứng dụng các công nghệ nuôi xa bờ cho sản lượng hàng hóa lớn. Kiên Giang còn thiếu nhà máy sản xuất thức ăn công nghiệp, chế biến xuất khẩu cá thương phẩm và cơ sở sản xuất con giống tại chỗ có quy mô để phục vụ nghề nuôi biển phát triển.
PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đề xuất định hướng phát triển nuôi biển bền vững ở Kiên Giang gồm: chuyển nghề cá nhân dân tự phát, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu… sang nghề cá thương mại bền vững, công nghệ cao, quy mô lớn với doanh nghiệp là chủ thể; di chuyển từ nuôi ven bờ ra khơi xa, nuôi biển đa loài tích hợp; áp dụng các vật liệu mới, bền vững, thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, tích hợp nuôi biển với các ngành kinh tế biển khác như du lịch, dầu khí, nhựa, điện gió, vận tải biển. Tỉnh cần tăng cường quản lý nhà nước và có cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nuôi biển cụ thể, rõ ràng; thực hiện cơ chế đồng quản lý với các hệ thống cảnh báo, kiểm soát ô nhiễm môi trường và cảnh báo, cảnh giới đảm bảo an ninh nuôi biển, PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng kiến nghị.
Nhiều ý kiến của các đại biểu nêu chuỗi giá trị nuôi biển như nuôi giữ, bảo toàn, cải thiện chất lượng đàn bố mẹ; sản xuất, vận chuyển và cung ứng giống chất lượng cao; ương giống lớn trên bờ và ở biển; sản xuất và cung ứng thức ăn công nghiệp nuôi cá; sản xuất và cung ứng thiết bị, lồng bè nuôi biển; nuôi hải sản thương phẩm.
Đồng thời, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ; thu hoạch, bảo quản và vận chuyển hải sản thương phẩm; sơ chế, chế biến các sản phẩm và phụ phẩm; cung ứng, xuất khẩu và phân phối sản phẩm hải sản nuôi; đào tạo nhân lực nuôi biển có tay nghề cao, chất lượng chuyên môn sâu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết, tỉnh ghi nhận tất cả những ý kiến đóng góp, chia sẻ chân thành của Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học, doanh nghiệp và kinh nghiệm của bà con ngư dân làm nghề nuôi biển tại hội thảo này.
Qua đó, giúp cho tỉnh và các ngành chuyên môn hữu quan có thêm những giải pháp thật hữu ích để đưa nghề nuôi biển Kiên Giang phát triển ổn định, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh và khai thác ngành kinh tế này hiệu quả, góp phần vào chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Tại hội thảo này, tỉnh Kiên Giang và Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam ký kết bản ghi nhớ hợp tác phát triển nuôi biển bền vững tỉnh Kiên Giang. Trung tâm Khuyến nông tỉnh ký kết với doanh nghiệp hợp tác cung cấp thiết bị lồng nhựa nuôi cá lồng bè trên biển.
Lê Huy Hải