Khi công trình Nhà máy thủy điện Sơn La hoàn thành, đã tạo ra vùng lòng hồ rộng lớn với hơn 25.000 ha. Khai thác lợi thế này, người dân tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã phát triển chăn nuôi các loại cá lồng thương phẩm. Nhờ được nuôi thả trong môi trường tự nhiên, theo quy trình VietGAP, nên thịt cá săn chắc, thơm ngon, bán được giá hơn so với nuôi ở vùng khác, giúp nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Là một trong những hộ đầu tiên nuôi cá lồng tại xã Chiềng Bằng, sau hơn 10 năm gia đình ông Lò Văn Khặn, bản Bung Én đã có hơn 110 lồng cá. Ngoài ra, ông Khặn vận động 18 hộ trong bản thành lập Hợp tác xã thủy sản Chiềng Bằng. Đến nay, hợp tác xã có trên 900 lồng cá, thu nhập bình quân của thành viên đạt 5 triệu đồng/tháng.
Ông Lò Văn Khặn chia sẻ, thời điểm ban đầu ông mới chỉ dám đầu tư gần 100 triệu đồng để làm 6 lồng cá. Sau một thời gian nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi cá mang lại cao hơn trồng trọt nên ông đã quyết định mở rộng quy mô. Hiện gia đình ông nuôi cá theo phương thức bán công nghiệp kết hợp nguồn thức ăn có sẵn ở địa phương, nên chất lượng cá thơm ngon, được nhiều người tiêu dùng ưa thích.
Xã Chiềng Bằng trước đây được coi là vựa lúa của huyện Quỳnh Nhai, nhưng khi Nhà máy thủy điện Sơn La tích nước, diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, ảnh hưởng đến phát triển sản xuất của người dân. Năm 2010, từ mô hình điểm của huyện về nuôi cá lồng, người dân nơi đây đã tìm được hướng đi mới, khai thác mặt nước phát triển nghề nuôi cá lồng, nhờ đó đã giải quyết được bài toán về đất sản xuất nông nghiệp. Đến nay, xã có hơn 3.000 lồng cá, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt đạt 350 tấn.
Ông Mè Văn Phái, Chủ tịch UBND xã cho biết, sau khi hoàn thành di dân tái định cư, xã đã tập trung phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Đồng thời, xác định nuôi trồng, đánh bắt thủy sản là thế mạnh xã đã vận động các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho hội viên vay vốn, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật. Từ đó giúp người dân chuyển đổi thói quen sản xuất từ độc canh trên đất dốc sang phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ. Để tạo sự liên kết trong sản xuất, xã cũng vận động thành lập các hợp tác xã. Đến nay, toàn xã có 18 HTX thủy sản hoạt động thường xuyên với gần 1.400 lồng cá; sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản ước đạt 300 tấn/năm.
Theo thống kê, huyện Quỳnh Nhai hiện có trên 5.000 lồng cá; sản lượng hằng năm đạt trên 3.000 tấn. Để thuận lợi trong tiêu thụ và xây dựng thương hiệu, các hộ đã liên kết với nhau thành lập nhiều hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, tiêu thụ thủy sản.
Hợp tác xã Hải Vân hiện là cơ sở đi đầu trong nuôi trồng, tiêu thụ thủy sản tại huyện Quỳnh Nhai. Trung bình mỗi vụ, hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 180-200 tấn cá. Với giá bán trung bình từ 120 nghìn đồng đến 130 nghìn đồng/kg cá lăng, doanh thu hàng năm của hợp tác xã đạt khoảng 2 tỷ đồng. Sau 5 năm triển khai, đây được đánh giá là một trong những mô hình hiệu quả, góp phần phát triển nghề nuôi cá trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai.
Ông Phí Hải Vân, Giám đốc Hợp tác xã Hải Vân chia sẻ, để đáp ứng nhu cầu ngày cao của thị trường, ông đã áp dụng phương pháp mới trong nuôi cá để giảm lượng mỡ và thịt săn chắc. Theo đó, khi cá đủ 18 tháng, đạt trọng lượng trung bình khoảng 4-5 kg/con, ông bắt đầu cho cá tăng cường vận động bằng cách kéo lưới lên và thả lưới xuống. Mỗi ngày, sẽ thực hiện 2 lần vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều; kéo dài liên tục trong vòng 6 tháng. Nhờ được vận động nhiều, cá tiêu bớt mỡ và săn chắc hơn. Ngoài ra, hợp tác xã cũng áp dụng những quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGap, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý để cá sinh trưởng, phát triển tốt, tạo nên sản phẩm đặc trưng của cá Sông Đà Quỳnh Nhai.
Tại huyện Quỳnh Nhai, việc khai thác tiềm năng hơn 10.500 ha mặt nước vùng lòng hồ thủy điện Sơn La để phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản thời gian qua đã giải quyết bài toán về thiếu đất sản xuất. Đồng thời, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp; thay đổi tập quán canh tác, phá thế độc canh cây lúa. Đáng chú ý, mặt hồ rộng lớn là điều kiện để người dân 9 xã dọc sông Đà khai thác nguồn cá tự nhiên, tạo ra các sản phẩm, như nước mắm cá mương, cá mương phơi khô, mắm tép sông Đà, cá sấy khô... Đến nay, có 1 sản phẩm cá tép dầu đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và 2 sản phẩm chế biến từ cá đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận sản phẩm OCOP.
Bà Điêu Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Nhai cho biết, qua một thời gian triển khai xây dựng các sản phẩm OCOP từ cá đã bước đầu đem lại hiệu quả trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Từ đó nâng cao được nhận thức cho các hợp tác xã, doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình trong các khâu sản xuất, tiếp cận thị trường. Thông qua việc xây dựng thương hiệu cũng như đạt tiêu chuẩn OCOP đã giúp các sản phẩm từ cá sông Đà sản xuất ra có giá trị hơn, nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người dân.
Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân, hợp tác xã về định hướng phát triển bền vững, ứng dụng các kỹ thuật vào sản xuất hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, kết nối, hỗ trợ cho các hợp tác xã, hộ gia đình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để tìm đầu ra cho các sản phẩm trên địa bàn.
Hữu Quyết