Trong những ngày này, người dân xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai bắt đầu bước vào vụ thu hoạch dứa. Năm nay, người trồng dứa xã Bản Lầu rất phấn khởi vì dứa được mùa, được giá.
Nhìn những quả dứa căng mọng được thu hoạch, xếp lên xe ô tô chở về xuôi, chị Hoàng Thị Xuân, thôn Na Mạ phấn khởi chia sẻ, năm 2023, gia đình trồng hơn 3 vạn hom dứa, vụ này bán quả tại nương cho tư thương được 105 triệu đồng. Trong hơn 20 năm trồng dứa, chưa bao giờ dứa quả được giá như năm nay. Những năm trước, khi giá dứa quả cao nhất, gia đình thu được 15 – 20 triệu đồng/vạn gốc nhưng năm nay, thu từ 30 - 35 triệu đồng, tương đương với khoảng 7 nghìn đồng/kg dứa quả tươi.
Năm nay, giá bán dứa quả không chỉ cao mà còn rất dễ bán bởi tư thương đã liên kết, làm hợp đồng đặt cọc thu mua từ khi dứa vừa ra hoa. Vừa qua, gia đình trồng thêm 4 vạn hom dứa giống, hy vọng thị trường vẫn tiếp tục ổn định để người trồng dứa yên tâm sản xuất. Những ngày này, gia đình anh Lý Văn Vinh, thôn Na Lốc 1 cũng đang tất bật thu hoạch dứa quả để bán. Giống như các hộ trồng dứa khác, anh Vinh cũng bán trắng cả nương dứa cho cơ sở thu mua với giá 30 triệu đồng/vạn gốc dứa, sau đó nhận thu hoạch thuê để lấy thêm công.
Theo anh Vinh, vụ này giá dứa cao gấp đôi cùng kỳ năm 2023 nên rất dễ tiêu thụ. Dứa được mùa, được giá, nông dân trồng dứa có niềm tin để tiếp tục gắn bó, mở rộng diện tích cây trồng này trong những năm tiếp theo. Không chỉ gia đình chị Lan, anh Vinh mà hầu hết người trồng dứa trên địa bàn xã Bản Lầu đều rất phấn khởi vì dứa được mùa, được giá.
Nếu như những vụ trước, thương lái chỉ mua dứa quả có trọng lượng từ 500 gram trở lên thì năm nay, dứa bi (250 gram/quả) cũng tiêu thụ rất tốt. Giá dứa không chỉ cao mà các cơ sở thu mua, tư thương còn cạnh tranh bằng cách liên kết, đặt cọc trước nên người trồng dứa được hưởng lợi.
Anh Hoàng Văn Cường, tư thương thu mua dứa tại xã Bản Lầu chia sẻ, giá cả thì ổn định 6.500 đồng/kg còn mua vo thì tùy theo chủ mua vo theo vườn còn phí vận chuyển từ 600-700 đồng/kg. Dứa chúng tôi thu mua đưa về các xưởng nhà máy từ Ninh Bình trở vào Thanh Hóa, Nghệ An.
Nói về sản lượng dứa giảm, nguồn cung khan hiếm, anh Cường cho biết, những năm trước, cơ sở thường thu mua khoảng 500 tấn dứa tươi của nông dân xã Bản Lầu nhưng năm nay ước tính chỉ mua được khoảng 300 tấn vì các cơ sở khác cạnh tranh rất gay gắt. Cơ sở phải đặt cọc, thỏa thuận với các hộ trồng dứa từ khi cây ra hoa để đến vụ thu hoạch có dứa cung cấp cho bạn hàng. Giá dứa cao không chỉ nông dân mà cơ sở cũng được hưởng lợi.
Theo thống kê của UBND xã Bản Lầu, toàn xã hiện có 1.700 ha dứa. Ước tính năng suất dứa vụ này đạt từ 29 - 30 tấn/ha, cao hơn 5 tấn/ha so với vụ trước; tổng sản lượng thu hoạch khoảng 20.000 tấn với giá bán hiện tại, dự kiến nông dân của xã có thể thu trên 120 tỷ đồng.
Còn theo ông Hoàng Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, mùa dứa trên địa bàn hiện nay đang vào chính vụ, sản lượng năng suất khá cao, về giá cả năm nay được giá dao động từ 6000-7000 đồng/kg. Bên cạnh đó, xã cũng đã liên hệ tới các nhà máy cũng như các doanh nghiệp thu mua từ dưới xuôi lên, diện tích dứa chín đến đâu thì được doanh nghiệp thu mua đến đấy. Bên cạnh đó, UBND xã cũng kết nối với một số hợp tác xã nông nghiệp đồng hành với nông dân từ khâu sản xuất đầu khâu tiêu thụ, góp phần đảm bảo đầu ra cho quả dứa.
Thời gian tới, UBND sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện để tìm kiếm, tạo các mối liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ dứa, giúp quả dứa Bản Lầu vươn xa đến các thị trường lớn. Qua đó, tạo thị trường ổn định để người dân yên tâm mở rộng diện tích trồng dứa, ông Kiên chia sẻ.
Hồng Ninh