Nông dân vùng cao tỉnh Lào Cai phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi

Nông dân xã Quang Kim, huyện Bát Xát nuôi nhốt đàn trâu trong chuồng trại kiên cố. Ảnh: Hương Thu-TTXVN
Nông dân xã Quang Kim, huyện Bát Xát nuôi nhốt đàn trâu trong chuồng trại kiên cố. Ảnh: Hương Thu-TTXVN

Theo các chuyên gia, trong vòng 5 năm trở lại đây, Lào Cai mới ghi nhận nhiều đợt rét đậm rét hại tăng cường liên tiếp xuống địa phương vào thời điểm trong và sau Tết Nguyên đán như năm nay. Đây là yếu tố bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp của địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia súc. Mặc dù vậy, các hộ nông dân vùng cao Lào Cai không vì mải đón Tết mà lơ là chăm sóc cho đàn vật nuôi vốn được coi là "đầu cơ nghiệp".

Nông dân vùng cao tỉnh Lào Cai phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi ảnh 1Nông dân xã Quang Kim, huyện Bát Xát nuôi nhốt đàn trâu trong chuồng trại kiên cố. Ảnh: Hương Thu-TTXVN

Không còn "tháng ăn chơi"

Những ngày trong sau Tết Nguyên đán, nhiệt độ tại các địa phương trong tỉnh Lào Cai giảm sâu, nhiều khu vực núi cao như: Ô Qúy Hồ của Sa Pa, Ý Tý của Bát Xát... nhiệt độ ghi nhận là chạm mức 0 độ C, gây rét đậm rét hại và xuất hiện băng giá. Dịch bệnh phức tạp, các lễ hội xuân dừng tổ chức nên Tháng Giêng giờ đây ở vùng cao Lào Cai không còn là "tháng ăn chơi". Thay vào đó, đây là dịp để người dân địa phương nhanh chóng tập trung vào sản xuất nông nghiệp mà trong đó đặc biệt chú trọng phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi.

Tại xã Y Tý, không khí lạnh mạnh tăng cường khiến nền nhiệt hạ xuống thấp nhất từ 2 đến 3 độ C. Dù thời tiết khắc nghiệt, song cũng như bao gia đình khác trong thôn, gia đình chị Chu Suy Bia, thôn Choản Thèn, Y Tý vẫn yên tâm ăn Tết dù trước đó đã được dự báo không khí lạnh với cường độ cao sẽ tràn xuống địa phương trong và sau dịp Tết. Khi được thông báo sẽ có những đợt lạnh mới trong và sau Tết, ngay từ trước Tết gia đình chị Bia đã tranh thủ kiểm tra lại nguồn thức ăn dự trữ, tiếp tục gia cố chuồng trại để yên tâm ăn Tết và vui xuân.

Từ mùng 5 Tết, gia đình chị Bia đã phân công các thành viên đi thu hoạch cỏ voi được trồng gần nhà về làm thức ăn xanh cho đàn trâu 5 con. Chị Chu Suy Bia chia sẻ, thức ăn thô và tinh dự trữ thì không thiếu, tuy vậy, nguồn thức ăn xanh vẫn phải được cung cấp đều đặn đảm bảo đủ dinh dưỡng giúp vật nuôi tăng cường sức đề kháng.

Trong những năm qua, dù có thêm nhiều nguồn sinh kế để làm giàu, nhưng con trâu đối với người dân vùng cao vẫn là tài sản vô cùng quan trọng. Do đó, không riêng gì gia đình chị Bia mà hầu hết các hộ dân trên địa bàn xã đều có ý thức chủ động, tự giác làm công tác chuẩn bị bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình từ trước khi mùa đông bắt đầu như: sửa chữa, che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn, theo dõi thời tiết để ứng phó kịp thời. Trước khi mùa Đông đến bà con trong thôn đã tích cực hiến đất, tham gia đóng góp ngày công lao động để xây dựng một khu nuôi nhốt gia súc tập chung với 54 chuồng, vừa đảm bảo vệ sinh lại không còn phải vất vả che chắn chuồng trại tại nhà.

Anh Sần Hờ Lù, Bí thư chi bộ thôn Choản Thèn, xã Y Tý cho biết, thông qua công tác tuyên truyền, vận động và sự tiên phong, gương mẫu của các gia đình cán bộ đảng viên, nên người dân trong thôn, trong xã xã đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng, chống đói rét cho đàn gia súc.

Trước Tết, các hộ dân đã chủ động thu gom, tích trữ rơm từ vụ mùa, trồng thêm cỏ làm thức ăn cho gia súc đề phòng rét đậm; hệ thống chuồng trại được gia cố, che chắn kỹ càng. Đặc biệt, khi thời tiết có dấu hiệu rét đậm như mấy ngày vừa qua, các gia đình đều không chăn thả mà thực hiện nhốt gia súc trong chuồng được quây kín gió, bổ sung thêm thức ăn tinh và nước muối pha loãng để tăng sức đề kháng, đảm bảo cho đàn gia súc phát triển khỏe mạnh.

Hiện nay, Y Tý có tổng đàn gia súc 5.220 con, với trên 1.300 con trâu, 101 con ngựa, 215 con dê, 13 con bò… Chủ tịch UBND xã Y Tý Tráng A Lử cho biết, mùa Đông Xuân năm nay, 100% các hộ chăn nuôi trong xã đã hoàn toàn chủ động phòng, chống đói rét cho đàn gia súc của gia đình mình. Cùng với đó, ngành chức năng cũng đã chỉ đạo đội ngũ khuyến nông viên cơ sở thực hiện tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục cho trâu, bò và dịch tả lợn; tăng cường hướng dẫn các biện pháp để người dân chủ động thực hiện, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại đến đàn vật nuôi do rét đậm, rét hại kéo dài thêm.

Chủ động các phương án ứng phó với thời tiết

Với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn, nhất là tinh thần chủ động của chính mỗi người dân, Lào Cai đã và đang nỗ lực hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng gia súc bị chết rét, chết đói trong mùa đông.

Lùng Cải - xã nằm ở khu vực cao nhất của huyện Bắc Hà đã phải trải các đợt rét đậm rét hại với nền nhiệt xuống thấp dao động trong khoảng từ 4-8 độ C trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Trước đó, để duy trì ổn định đàn gia súc trong mùa Đông Xuân 2021-2022, những hộ nào có điều kiện, dư dả thì đã tự đầu tư làm chuồng trại mới kiên cố, các hộ dân còn lại chủ động sửa chuồng trại, che chắn kín đáo, nhà nào, nhà nấy đã chuẩn bị rơm rạ dự trữ thức ăn mùa Đông cho gia súc và nắm vững kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc trong mùa Đông.

Mặc dù, gia đình đã có 0,5 ha cỏ voi phục vụ chăn nuôi, nhưng để chống chọi với những đợt rét được dự báo sau Tết, vừa chuẩn bị đón Tết, chị Giàng Mò, ở thôn Sán Trá, xã Lùng Cải vừa tiếp tục mở rộng diện tích trồng cỏ voi, nhằm đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn đại gia súc của gia đình. Chị cho biết, có nguồn thức ăn đầy đủ cho đàn trâu gia đình mới yên tâm ăn Tết, sau Tết dù lạnh mấy cũng không phải vất vả lo tìm thức ăn ở nơi xa mang về nữa.

Mặc dù tổng đàn đại gia súc ở địa phương chỉ có 400 con, nhưng công tác bảo vệ đàn đại gia súc đã được cấp ủy, chính quyền xã Lùng Cải quan tâm triển khai thực hiện từ rất sớm. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Cải Giàng Seo Sú, xã đã kịp thời tuyên truyền người dân, chủ động tốt các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ cho đàn trâu bò trong những ngày nhiệt độ ngoài trời xuống thấp theo dự báo của các cơ quan khí tượng; chuẩn bị thức ăn thô, thức ăn tinh, khoáng, vitamin để tăng cường sức khoẻ cho vật nuôi...

Nông dân vùng cao tỉnh Lào Cai phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi ảnh 2Nông dân xã Quang Kim, huyện Bát Xát tranh thủ chăn thả trâu trong ngày thời tiết ấm. Ảnh: Hương Thu-TTXVN

Tại phương án “Phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi vụ Đông Xuân năm 2021- 2022”, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương chuẩn bị sẵn nguồn lực, chủ động các phương án ứng phó, quyết tâm thực hiện thắng lợi vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022, giữ vững trụ đỡ của nền kinh tế trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu, khi xảy ra rét đậm, rét hại, các địa phương phải tập trung lực lượng xuống các thôn bản tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân thực hiện việc phòng, chống đói, rét cho gia súc. Đối với rau, màu, ngành nông nghiệp Lào Cai khuyến cáo, khi xuất hiện sương muối cần dùng các biện pháp che chắn, tưới nước trên mặt lá làm tan sương, bón bổ sung phân kali, phân lân, phân hữu cơ hoai mục, giảm bón đạm, phun hoặc tưới một số chế phẩm sinh học để tăng cường khả năng chống rét cho cây trồng.

Đối với vật nuôi, thu gom triệt để rơm rạ, các loại cỏ thân mềm phơi khô, bảo quản, dự trữ ở nơi khô ráo, gieo ngô dày, tận dụng thân cây ngô, lạc, ngọn mía, bã mía, cỏ trồng và cỏ tự nhiên để chế biến, dự trữ bằng cách ủ chua, ủ men vi sinh. Lượng rơm, cỏ khô dự trữ cho mỗi con trâu, bò tối thiểu từ 200 kg/con trở lên; sửa chữa, làm mới chuồng trại, dự phòng các loại vật liệu để che chắn chuồng (bạt, tấm nylon lớn,…).

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm