Trong những tháng đầu năm 2022, địa bàn tỉnh Lạng Sơn luôn duy trì nền nhiệt độ thấp. Rét đậm, rét hại, sương muối diễn ra thường xuyên và liên tục đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi. Các cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh đang chủ động các biện pháp đảm bảo điều kiện phòng, chống rét cho người bệnh.
Tại Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, để phòng, chống rét hiệu quả cho bệnh nhân nội trú, đơn vị đã trang bị đầy đủ điều hòa nhiệt độ hai chiều, nước nóng, đèn sưởi và chăn ấm ở các buồng phòng. Đặc biệt, để hạn chế việc bệnh nhân phải ra ngoài buồng bệnh khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, bệnh viện đã tăng cường công tác khám chữa bệnh ngay tại giường bệnh.
Bác sỹ Ma Thị Thơm, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Lạng Sơn cho biết, tại bệnh viện đang có trên 50 bệnh nhân phải điều trị nội trú, trong đó phần đông là người lớn tuổi, liên quan tới bệnh phổi và đường hô hấp, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số có sức đề kháng yếu. Ngay khi bước vào thời điểm chuyển giao mùa, đơn vị đã triển khai các kế hoạch cụ thể để phòng, chống rét cho bệnh nhân. Vì vậy các khoa, phòng tại đơn vị luôn thực hiện tốt công tác chuyên môn, bệnh nhân yên tâm điều trị.
Hơn một tuần điều trị tại Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đúng thời điểm mưa rét, ông Hà Minh Bẩm, 70 tuổi, trú tại xã Quốc Việt, huyện Tràng Định luôn nhận được sự quan tâm của các y bác sỹ. Ông Bẩm cho hay, khi mưa rét, bệnh viện đã chủ động đã bật điều hòa và đèn sưởi cho các phòng, các bác sỹ thường nhắc mọi người ra vào phải đóng kín cửa, nhiều bệnh nhân điều trị ở đây rất thoải mái. Đặc biệt, bệnh viện còn chủ động cấp phát chăn cho các trường hợp chưa kịp chuẩn bị chăn màn khi đến bệnh viện.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đang có trên 600 bệnh nhân điều trị nội trú. Ngoài việc bổ sung thêm các trang thiết bị như điều hòa, máy sưởi, máy làm nóng... ở các khoa phòng, buồng điều trị, bệnh viện còn thường xuyên quán triệt đến đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng từng khoa chú ý tại nơi chờ khám, các buồng khám bệnh, buồng điều trị người bệnh phải luôn đóng kín cửa, tránh gió lùa, có đủ chăn đệm và phương tiện chống rét để đảm bảo cho người bệnh luôn được giữ ấm trong thời gian thăm khám, làm thủ thuật và nằm điều trị. Đồng thời, tuyên truyền bệnh nhân thực hiện ăn uống đồ nóng đúng giờ, đúng bữa, đảm bảo đủ dinh dưỡng và năng lượng.
Bác sĩ Nông Quốc Thiên (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn) khuyến cáo, đối tượng nguy cơ cao chịu ảnh hưởng nhất về thời tiết cực đoan là trẻ em và người cao tuổi. Với trẻ em, các bệnh hay mắc phải như sổ mũi, có thể rửa mũi bằng nước muối sinh lý ấm, hoặc pha nước muối ấm súc họng giúp thông thoáng đường hô hấp trên. Trẻ có các triệu chứng ho kéo dài từ 3-5 ngày kèm theo các triệu chứng sốt, đau ngực, khó thở, cần được đi khám để được phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Người cao tuổi phải mặc đủ ấm kể cả lúc ngủ, chú ý giữ ấm đầu, cổ, bàn chân; tránh ở lâu ngoài trời, thức khuya trong những ngày trời rét để phòng bệnh cảm lạnh, viêm phổi hay các biến chứng tim mạch. Người có triệu chứng tê bì chân tay, nói ngọng, yếu, cần phải được gia đình đưa đi khám ngay để tránh diễn biến bệnh nặng, dẫn tới tai biến, đột quỵ…
Trước những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe nhân dân do rét đậm, rét hại, Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn đã ra văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giữ ấm, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, học sinh kết hợp với phòng, chống dịch COVID-19; hướng dẫn cho người dân cách giữ ấm và chống rét, đề phòng các biến chứng về hô hấp và tim mạch, bảo đảm sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm khí độc khi sưởi ấm trong phòng kín.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn Lý Kim Soi cho biết, Sở đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn có kế hoạch bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu; chuẩn bị các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa rét gây ra. Đồng thời, Sở quán triệt trách nhiệm đối với cán bộ y tế tại các khu vực trực tiếp phục vụ bệnh nhân, khu vực cấp cứu khẩn trương, tận tình chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt là người già, trẻ em, sản phụ; tăng cường cán bộ cho Khoa khám bệnh để nhanh chóng giải quyết hết bệnh nhân, không để bệnh nhân chờ đợi lâu hoặc phải đi lại nhiều lần…
Nguyễn Quang Duy