Rút ngắn khoảng cách đến cơ sở y tế, trường học của đồng bào dân tộc thiểu số

Rút ngắn khoảng cách đến cơ sở y tế, trường học của đồng bào dân tộc thiểu số

Báo cáo Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015-2019 và Tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc với sự hỗ trợ tài chính của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam công bố mới đây cho thấy, bên cạnh những thành tựu trong chăm sóc sức khỏe và giáo dục, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn gặp nhiều khó khăn trên hành trình đến trường, các cơ sở y tế.

Điều này đặt ra những vấn đề cần Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư, giải quyết trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Rút ngắn khoảng cách đến cơ sở y tế, trường học của đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1Bữa ăn của học sinh bán trú Trường Tiểu học Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ tỉnh Lai Châu được tăng khẩu phần ăn đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe

Một trong những thước đo đơn giản phản ánh thực trạng tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản của người dân là khoảng cách trung bình đến cơ sở y tế (trạm y tế, bệnh viện) gần nhất. Nhà càng xa cơ sở y tế thì cơ hội để người dân được chăm sóc y tế cơ bản càng khó khăn. Với phụ nữ dân tộc thiểu số, khoảng cách tới cơ sở y tế càng xa sẽ càng bất lợi trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt khi mang thai và sinh đẻ.

Nằm cách trung tâm huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) khoảng 15km về phía Nam, ở trên độ cao hơn 1500m, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tả Ngảo vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dù trong những năm qua được Nhà nước hỗ trợ. Hiện, người dân nơi đây vẫn phải vượt qua một chặng đường đèo núi tương đối gian nan khi phải mất từ 40 phút đến hơn 1h để đi đến Trung tâm Y tế huyện.

Ông Bùi Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Tả Ngảo cho biết: Tả Ngảo là một trong những xã đặc biệt khó khăn của Lai Châu. Mặc dù những năm qua, Nhà nước đã dành nhiều quan tâm, đầu tư cho xã về hạ tầng, trong đó có Trạm y tế xã. Tuy nhiên, do khoảng cách các bản trong xã đến Trạm y tế cũng như Trung tâm y tế huyện xa, bà con gặp nhiều khó khăn trong đi lại, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Cùng với đó lực lượng y tế thôn, bản còn mỏng, cộng với phong tục tập quán, nhận thức còn nhiều hạn chế đã gây trở ngại lớn cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn.

Kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, khoảng cách trung bình tới bệnh viện của hộ gia đình dân tộc thiểu số là 14,7 km, giảm 2 km so với năm 2015 (16,7 km). Có thể thấy trở ngại về đường đến trạm, trung tâm y tế kết hợp khâu tuyên truyền vận động còn nhiều hạn chế và thói quen, tập quán ăn sâu, bám rễ nhiều thế hệ đưa tới việc nhiều bà con tự tìm đến những cách chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh tự phát, không an toàn, tiềm ẩn nguy cơ tai biến y khoa cao.

Theo kết quả của Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 2019, tỉ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản đã giảm xuống 46 trên 100.000 ca sinh sống vào năm 2019, giảm 23 ca trên 100.000 ca sinh sống so với năm 2009. Mặc dù vậy, tỷ lệ này ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn cao so với cả nước.

Trở lại Lai Châu, tỉnh miền núi phía Bắc với nhiều huyện, xã đang nằm trong vùng “lõi nghèo” của cả nước, trong những năm qua vẫn có số ca tử vong ở mẹ cao, tỷ lệ sản phụ sử dụng dịch vụ khám thai ít nhất 4 lần còn thấp so với tỷ lệ chung trên toàn quốc. Theo Sở Y tế tỉnh Lai Châu, năm 2020, tỉnh có 5 ca tử vong ở mẹ, với tỷ số tử vong mẹ (MMR) là 53,30 ca/100.000 trẻ sinh sống; tỷ lệ đẻ tại nhà trên 33%, có nơi thậm chí ở mức 50% như huyện Nậm Nhùn, Sìn Hồ.

Để khắc phục hạn chế trên và góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng Nhà nước cần tăng cường, nâng cao năng lực khám chữa bệnh của các cán bộ y tế để họ có đủ khả năng xử trí các tình huống khác nhau, như về tai biến sản khoa và các bệnh liên quan đến thai sản, từ đó đảm bảo an toàn, sức khỏe, hạnh phúc cho bà mẹ và trẻ em; khai thác hiệu quả nền tảng thông tin, truyền thông trực tuyến, hệ thống tư vấn từ xa thông qua các ứng dụng di động và nền tảng trực tuyến nhằm khắc phục những khó khăn do những điều kiện văn hóa xã hội đặc biệt, rào cản ngôn ngữ, vị trí địa lý do người dân tộc thiểu số hầu hết sống rất xa các cơ sở y tế.

Hướng tới tiếp cận giáo dục có chất lượng

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục-đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và đạt được một số kết quả ban đầu, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách không nhỏ giữa giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi với cả nước.

Báo cáo Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015-2019 phân tích kết quả điều tra 53 Dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, trẻ em dân tộc thiểu số cần vượt qua khoảng cách trung bình là 2,2 km để đến trường ở bậc tiểu học. Tương tự, khoảng cách trung bình đến trường trung học cơ sở của trẻ em là 3,7 km; khoảng cách tới trường trung học phổ thông là 10,9 km. Trong điều kiện đường xa, không bảo đảm an ninh, an toàn, trẻ em dân tộc thiểu số phải lựa chọn ở trọ hoặc học trường nội trú.

Như vậy, càng lên bậc học cao, trẻ em dân tộc thiểu số càng phải vượt quãng đường xa hơn. Thực tế này, kết hợp với điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn có thể dẫn đến việc trẻ em dân tộc thiểu số bỏ học để tham gia lao động kiếm tiền và tảo hôn.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Đại diện UN Women Việt Nam, nhấn mạnh những hạn chế trên khiến việc tiếp cận giáo dục có chất lượng tiếp tục là thách thức với trẻ em dân tộc thiểu số, đồng thời làm gia tăng bất bình đẳng giữa trẻ em vùng dân tộc thiểu số với miền xuôi.

Trưởng Đại diện UN Women Việt Nam lưu ý rằng khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các trường học đủ điều kiện đã chuyển sang học trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội và Chính phủ đẩy mạnh việc đào tạo trực tuyến để đảm bảo học sinh hoàn thành kế hoạch năm học. Đây là một giải pháp rất kịp thời. Tuy nhiên, nó cũng đồng thời làm gia tăng khoảng cách bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục trực tuyến và kỹ thuật số, đặc biệt ở nhóm trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, khu vực vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, do yêu cầu thiết bị kết nối Internet (điện thoại, laptop…); thiếu chương trình giảng dạy trực tuyến bằng tiếng dân tộc; khoảng 93% giáo viên vùng dân tộc thiểu số không sử dụng công cụ "giáo dục số" (theo số liệu báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc - UNICEF)…

Từ đây, UN Women khuyến nghị Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện có mục tiêu cho trẻ em dân tộc thiểu số tiếp cận công nghệ và phương pháp giáo dục trực tuyến bình đẳng; đầu tư nâng cao năng lực giáo dục trực tuyến cho giáo viên vùng dân tộc thiểu số; rút ngắn rào cản ngôn ngữ; và cuối cùng có chính sách nhạy cảm giới trong giáo dục trực tuyến.

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm gần ba phần tư diện tích tự nhiên của cả nước, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái; tuy nhiên, nơi đây vẫn là vùng khó khăn nhất với tỷ lệ hộ nghèo cao hơn nhiều lần so với bình quân chung cả nước. Để đồng bào dân tộc thiểu số an tâm thoát nghèo bên cạnh những hỗ trợ về kinh tế, cũng rất cần sự quan tâm đầu tư bài bản, khoa học, hiệu quả hơn nữa từ Nhà nước trong việc rút ngắn khoảng cách đến cơ sở y tế, trường học của đồng bào. Bởi dân có khỏe về thể lực, trí lực mới có thể thoát nghèo bền vững.

Việt Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm