Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa ban hành kế hoạch tổ chức tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Theo đó, việc tuyên truyền cần tập trung vào việc vận động bổ sung những quy định đặc thù trong hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình khi sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; vận động sửa đổi quy định về biện pháp cấm tiếp xúc trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng nội dung và tổ chức tuyên truyền trên truyền hình về các biện pháp nâng cao hiệu quả xử lý người có hành vi bạo lực gia đình; xây dựng tiểu phẩm sân khấu và tuyên truyền trên truyền hình nhằm phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình...Thông qua các tiểu phẩm, người xem nhận diện được những khó khăn trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng; trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đoàn thể và chính quyền cơ sở trong phòng, chống bạo lực gia đình...
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình với người cao tuổi, với trẻ em và với phụ nữ nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, chú trọng xây dựng các chương trình truyền hình, tổ chức tọa đàm, viết bài tuyên truyền... chủ đề về bạo lực gia đình đối với người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ, hạn chế bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân...; các bài viết vận động sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình.
Đặc biệt, các bên liên quan xây dựng chương trình tọa đàm và tổ chức tuyên truyền trên truyền hình về chính sách đối với nạn nhân bạo lực gia đình; xây dựng nội dung tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình với phụ nữ nhân Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình. …
Theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, việc tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình trên phương tiện truyền thông đại chúng nhằm nâng cao nhận thức người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền cơ sở về phòng, chống bạo lực gia đình. Thông qua đó, các đơn vị kịp thời phản ánh những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; vận động người có uy tín trong xã hội ủng hộ những chính sách mới, tiến bộ trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi, bổ sung) nhằm tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên gia đình, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Phương Lan