Nông dân thu lãi cao từ củ đậu

Nông dân thu lãi cao từ củ đậu
Vụ Đông năm 2023-2024, người trồng củ đậu ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương phấn khởi vì được mùa, được giá. Người trồng củ đậu thu lãi từ 13-14 triệu đồng mỗi sào (mỗi sào 360m2).
Nông dân thu lãi cao từ củ đậu ảnh 1Diện tích trồng củ đậu tại huyện Kim Thành (Hải Dương). Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN
Ông Trần Văn Lượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Tiến tại xã Kim Tân, huyện Kim Thành cho biết: hợp tác xã có 31 thành viên đang trồng khoảng 30ha củ đậu theo hướng VietGAP. Vụ Đông năm nay, củ đậu được mùa, mẫu mã và năng suất và chất lượng vượt trội, giá bán cao hơn năm trước nên các thành viên rất phấn khởi.
Theo ông Lượng, giá củ đậu bán tại ruộng thời điểm này khoảng 6.500 đồng/kg, cao hơn năm ngoái 1.000 đồng/kg. Theo ước tính trung bình, các hộ đều đạt khoảng 3 tấn/sào. Trừ đi chi phí đầu vào mỗi sào từ 6-7 triệu đồng, bình quân nông dân trồng củ đậu thu lãi từ 13-14 triệu đồng/sào.
Gia đình ông Nguyễn Văn Uyên ở thôn Viên Chử, xã Kim Tân có 4 sào trồng củ đậu. Hiện tại, toàn bộ diện tích vườn củ đậu của gia đình ông Uyên đã được thương lái thu mua, giờ chỉ chờ thời điểm thích hợp thu hoạch. Hiện năng suất củ đậu của gia đình ông Uyên khoảng 4-4,5 tấn/sào. Năm nay, mỗi sào củ đậu, ông Uyên bán cho thương lái được 20 triệu đồng.
 
Nông dân thu lãi cao từ củ đậu ảnh 2Nông dân huyện Kim Thành (Hải Dương) kiểm tra trước khi thu hoạch củ đậu. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN
Kim Thành nổi tiếng là "thủ phủ" trồng củ đậu của Hải Dương và chất lượng củ đậu ngon nhất là củ đậu được trồng ở xã Kim Tân. Củ đậu lúc vừa thu hoạch có vỏ màu trắng ngà, nhẵn mịn, mọng nước ngọt mát và rất ít xơ. Hầu như diện tích trồng củ đậu đều được thương lái thu mua từ trước thời điểm thu hoạch.
Để nâng cao giá trị từ cây củ đậu, khẳng định củ đậu là sản phẩm an toàn đối với người tiêu dùng, nông dân Kim Thành đã chủ động và tuân thủ quy trình sản xuất theo VietGAP.
Ông Uyên cho biết: “Để có được củ đậu chất lượng, chúng tôi chấp hành nghiêm các hướng dẫn chăm sóc của cơ quan chuyên môn. Chúng tôi bón phân, trừ sâu bệnh cho củ đậu theo định kỳ, sử dụng các loại đúng nhãn hiệu được Phòng Nông nghiệp huyện và hợp tác xã tập huấn. Trước khi thu hoạch khoảng 15-20 ngày, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”.
Đặc biệt, hàng năm nhà ông Uyên đều đổi chân đất một lần để củ đậu mùa sau năng suất hơn, đây cũng là một bí quyết để cây trồng giảm thiểu sâu bệnh. Có thể trên chính mảnh ruộng năm nay trồng củ đậu thì năm sau nhà ông Uyên sẽ chuyển sang trồng dưa.Việc tiêu thụ đối với mặt hàng này ngày càng thuận lợi, một phần nhờ giao thông nông thôn những năm gần đây đã được quan tâm đầu tư nâng cấp.
Bên cạnh kinh nghiệm sản xuất, nông dân Kim Thành cũng kết hợp áp dụng các tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào trồng và chăm sóc củ đậu. Cán bộ phòng nông nghiệp đã tập huấn cho các hộ sản xuất toàn bộ diện tích trồng củ đậu trên địa bàn huyện, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, cơ bản nông dân trồng củ đậu huyện Kim Thành đều sản xuất theo hướng VietGAP; trong đó, 25ha ở xã Kim Tân và 7ha ở xã Đồng Cẩm có giấy chứng nhận.
Nông dân thu lãi cao từ củ đậu ảnh 3Nông dân huyện Kim Thành (Hải Dương) chăm sóc diện tích trồng củ đậu. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN

Trong số các cây vụ Đông, củ đậu là mặt hàng nông sản thế mạnh của huyện Kim Thành. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Thành, vụ Đông năm 2023, huyện có khoảng 480ha củ đậu. Ước tính sản lượng củ đậu năm nay tương đương với sản lượng mùa vụ trước.

Hàng năm, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Kim Thành đều quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và địa phương tập trung hướng dẫn nông dân từ tập huấn kỹ thuật chăm sóc đến bảo quản, nâng cao giá trị và thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của huyện. Vừa qua, củ đậu của Hợp tác xã Hưng Tiến, Kim Tân đã tiếp tục được đánh giá đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Cùng với đó, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện Kim Thành cũng đã hỗ trợ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP bao gồm có củ đậu; xây dựng kênh giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP gắn với các sản phẩm quà tặng; hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia hội chợ, triển lãm, tổ chức các đoàn quảng bá sản phẩm OCOP đến đến các thị trường trong và ngoài tỉnh; ưu tiên sử dụng sản phẩm OCOP trưng bày và thiết kế các gói quà tặng tại các hội nghị, sự kiện; tổ chức hội chợ OCOP…

Mạnh Minh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm