Nỗ lực hoàn thiện hệ thống cấp cứu ngoại viện

Nỗ lực hoàn thiện hệ thống cấp cứu ngoại viện
Mạng lưới cấp cứu vệ tinh rộng khắp
Thống kê của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, địa bàn thành phố hiện có 123 bệnh viện gồm 32 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc ngành Y tế thành phố; 56 bệnh viện tư nhân; 12 bệnh viện thuộc Bộ, ngành và 23 bệnh viện quận, huyện. Ngoài ra, Thành phố có 6.947 cơ sở hành nghề tư nhân được cấp phép với mô hình phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, phòng chẩn trị y học cổ truyền và 9.826 cơ sở kinh doanh dược… 
Nhân viên cấp cứu 115 tiếp cận hiện trường, đưa người bệnh lên xe cứu thương vận chuyển đến bệnh viện. Ảnh: TTXVN phát
Nhân viên cấp cứu 115 tiếp cận hiện trường, đưa người bệnh lên xe cứu thương vận chuyển đến bệnh viện. Ảnh: TTXVN phát

Mỗi năm, trung bình, các bệnh viện trên địa bàn có trên 45,3 triệu lượt người đến khám bệnh, chiếm hơn 1/4 tổng số lượt khám của cả nước với trên 2,5 triệu lượt bệnh nhân điều trị nội trú và trên 1,2 triệu lượt bệnh nhân đến cấp cứu tại bệnh viện.
 
Thống kê cũng cho thấy, mỗi ngày có khoảng 1.500 bệnh nhân có bệnh lý cấp tính hoặc tai nạn thương tích cần được trợ giúp cấp cứu tại chỗ. Trong số đó, chủ yếu là các bệnh lý hoặc tai nạn thương tích đặc trưng của một thành phố đang phát triển như ngộ độc thực phẩm, các cấp cứu về tim mạch (nhồi máu cơ tim cấp, tăng huyết áp,…), các cấp cứu thần kinh (tai biến mạch máu não – đột quỵ), các chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động...

Phần lớn bệnh nhân có bệnh lý cấp tính hoặc tai nạn thương tích cần được trợ giúp, cấp cứu tại cộng đồng ít khi gọi cấp cứu 115 mà được gia đình hoặc người dân tự chuyển đến khoa cấp cứu tại các bệnh viện gần nơi cư trú bằng các phương tiện taxi, xe máy,…

Vì thế, nhiều trường hợp bệnh nhân được đưa tới bệnh viện trong tình trạng không được sơ cứu, vận chuyển và điều trị đúng cách gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có những trường hợp tử vong trước khi đến được bệnh viện.
Người dân được đưa lên xe cứu thương đến bệnh viện cấp cứu. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Người dân được đưa lên xe cứu thương đến bệnh viện cấp cứu. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, đa số người dân chưa biết đến và chưa sử dụng cấp cứu 115 khi cần. Trong khi đó, khả năng đáp ứng của lực lượng cấp cứu ngoại viện tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm trước đây còn quá hạn chế. Năm 2014, Thành phố mới bắt đầu thành lập Trung tâm cấp cứu 115 với chỉ 5 trạm rải rác khắp thành phố nhưng lực lượng mỏng và thiếu nhiều trang thiết bị cần thiết.
 
Trước thực tế đó, từ năm 2017 đến nay, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định mở rộng mạng lưới cấp cứu ngoại viện đặt tại các bệnh viện quận, huyện nhất là ở các khu vực cửa ngõ, ngoại thành. Đến nay, Thành phố đã có 29 trạm cấp cứu vệ tinh 115 phủ khắp 24 quận, huyện đảm nhiệm nhiệm vụ cấp cứu người bệnh tại cộng đồng và vận chuyển người bệnh cấp cứu đến bệnh viện để tiếp tục điều trị.

Đặc biệt, Sở Y tế đã huy động sự tham gia của các bệnh viện quân đội (trong đó có Bệnh viện Quân y 175), bệnh viện tư nhân như: Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, Bệnh viện Quốc tế City…"Lợi thế của các trạm cấp cứu vệ tinh 115 đóng tại các bệnh viện khác nhau trên địa bàn là rút ngắn khoảng cách và thời gian tiếp cận hiện trường, tranh thủ "thời gian vàng" cấp cứu người bệnh", ông Tăng Chí Thượng chia sẻ.
 
Với sự đầu tư mở rộng mạng lưới cấp cứu vệ tinh khắp các địa bàn, người dân Thành phố đã bắt đầu biết và sử dụng dịch vụ cấp cứu 115. Năm 2018, Trung tâm Cấp cứu 115 nhận được 23.200 cuộc gọi cấp cứu, thực hiện 17.000 lượt cấp cứu ngoại viện và vận chuyển 12.900 lượt bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu, những thông số này đều cao gấp 3 lần so với năm 2015.

Bác sỹ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, đây chính là cánh tay nối dài giúp ngành Y tế nâng cao năng lực, tạo thương hiệu, uy tín đối với người dân. Sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa Trung tâm Cấp cứu 115 với các trạm vệ tinh cấp cứu, các bệnh viện đã góp phần giảm thiểu tỷ lệ tử vong, cấp cứu  kịp thời các trường hợp tai nạn bất ngờ, đảm bảo cấp cứu trong "thời gian vàng".
 
Đa dạng hóa hệ thống cấp cứu ngoại viện
Là địa phương có dân số đông nhất cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi có hạ tầng, mạng lưới giao thông và mật độ tham gia giao thông cao. Bên cạnh đó, đặc trưng của giao thông Thành phố có rất nhiều hẻm, phố đi bộ và cũng là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa tập trung đông người.
Nhân viên cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn tiếp cận người dân cần cấp cứu bằng xe cấp cứu 2 bánh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Nhân viên cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn tiếp cận người dân cần cấp cứu bằng xe cấp cứu 2 bánh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Tuy vậy, loại hình tiếp cận chăm sóc y tế trong cấp cứu ngoài bệnh viện lâu nay chỉ sử dụng xe cứu thương truyền thống (xe 4 bánh dạng 16 chỗ được thiết kế thành xe cứu thương chứa băng ca và các phương tiện, dụng cụ cấp cứu cơ bản). Đây cũng là rào cản trong việc thực hiện công tác cấp cứu khi hiện trường tai nạn cần cấp cứu xảy ra ở các địa hình nhỏ, phức tạp.
 
Trên cơ sở học tập mô hình của các nước trên thế giới, năm 2018, ngành Y tế Thành phố đã mạnh dạn triển khai thí điểm mô hình Xe cứu thương 2 bánh tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn.

Theo đó, mỗi lần nhận được cuộc gọi cấp cứu, căn cứ vào địa điểm, địa hình của người bệnh ở các hẻm nhỏ, xe cứu thương khó di chuyển hoặc các trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn sẽ điều 2 nhân viên y tế tiếp cận người dân bằng xe 2 bánh để kịp thời sơ cứu.

Sau đó, tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh, xe ô tô cứu thương được điều đến đưa người bệnh đến bệnh viện hoặc có thể tiếp tục điều trị ngoại trú tại nhà.
 
Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cho biết, dù mới ra đời, mô hình Xe cứu thương 2 bánh đã phát huy hiệu quả tốt bởi tính cơ động cao, tiếp cận hiện trường cấp cứu trong thời gian ngắn nhất khiến người dân rất hài lòng.
 
Sau thành công tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã nhân rộng mô hình Xe cứu thương 2 bánh tại các Bệnh viện Quận 4, Bệnh viện Quận 2 và Bệnh viện quận Thủ Đức.

"Mô hình thí điểm vẫn đang được triển khai, nhân rộng, điều chỉnh từng bước cho phù hợp đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu để cho người dân được tiếp cận với lực lượng y tế một cách nhanh nhất, kịp thời nhất", ông Tăng Chí Thượng chia sẻ.
Xe cứu thương và nhân viên cấp cứu 115 đưa người dân đến bệnh viện bằng xe cứu thương. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Xe cứu thương và nhân viên cấp cứu 115 đưa người dân đến bệnh viện bằng xe cứu thương. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
 
Song song với việc phát triển số lượng các trạm vệ tinh, đa dạng hóa hình thức cấp cứu ngoại viện, Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng hệ thống điều hành thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin để tăng khả năng kết nối, cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các khâu thừa trong tiếp nhận, xử lý thông tin cấp cứu.

Hệ thống điều hành thông minh sẽ kết nối 4 thành phần chính gồm: Trung tâm điều hành thuộc Trung tâm Cấp cứu 115 (tiếp nhận thông tin, chuyển thông tin cho kíp cấp cưu, giám sát hệ thống và hỗ trợ); Ê-kíp cấp cứu di chuyển đến hiện trường; người dân có nhu cầu cấp cứu và bệnh viện dự kiến tiếp nhận.
 
Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng kỳ vọng, cùng với mạng lưới trạm cấp cứu trải khắp thành phố, việc kết nối thông qua trạm điều hành thông minh sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, đem lại hiệu quả lớn trong công tác cấp cứu, điều trị và chăm sóc bệnh nhân./.
                 Đinh Hằng
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm