Ninh Thuận trồng mới hơn 1.120 ha rừng thay thế

Cây Thanh thất chịu khí hậu khô hạn được trồng tại lâm phần rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Cây Thanh thất chịu khí hậu khô hạn được trồng tại lâm phần rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc, phát huy có hiệu quả chức năng rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, tỉnh Ninh Thuận có kế hoạch trồng mới 1.221 ha rừng thay thế trong giai đoạn 2023 - 2025.

Ninh Thuận trồng mới hơn 1.120 ha rừng thay thế ảnh 1Vườn ươm cây giống phục vụ trồng rừng tại Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Trong giai đoạn này, tỉnh sẽ trồng rừng thay thế với tổng diện tích 1.121 ha, bao gồm: 500 ha rừng đặc dụng, 621 ha rừng phòng hộ trên diện tích đất thuộc lâm phần các Ban Quản lý rừng đặc dụng, Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý. Tổng kinh phí thực hiện hơn 112 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam.

Theo ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, địa phương đang tập trung đẩy mạnh tốc độ trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; chú trọng bảo vệ, phát triển vốn rừng hiện có và trồng rừng mới; phát huy có hiệu quả chức năng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh nguồn nước, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu; chống xói mòn, chống sa mạc hóa, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên nhiên và đa dạng sinh học. Đồng thời, tỉnh cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ môi trường rừng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của Ninh Thuận và đất nước, nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn đến năm 2025 đạt 49%.

Để triển khai thực hiện, UBND tỉnh yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng, địa phương phối hợp rà soát quỹ đất, xác định đối tượng đất đưa vào trồng rừng thay thế là diện tích đất trống, đất chưa có rừng, không có khả năng tự tái sinh thành rừng. Dự kiến trong năm 2023, địa phương sẽ trồng 400 ha; năm 2024 trồng 401 ha và năm 2025 trồng mới 320 ha gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Tỉnh huy động nguồn nhân lực từ tập thể viên chức quản lý bảo vệ rừng, người lao động của các Ban Quản lý rừng đặc dụng, Ban Quản lý rừng phòng hộ và thuê nhân công thuộc các cộng đồng, gia đình, là cá nhân sống trên địa bàn các khu vực dự kiến trồng rừng thay thế để tiến hành trồng rừng theo khung thời gian từ tháng 9 - 11 hàng năm. Đây thời điểm trên địa bàn có mưa nhiều đảm bảo cho cây cứng cáp, phát triển tốt trước khi bước vào mùa khô.

Ninh Thuận trồng mới hơn 1.120 ha rừng thay thế ảnh 2Cây Thanh thất chịu khí hậu khô hạn được trồng tại lâm phần rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ninh Thuận đã xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp để bảo vệ, phát triển rừng, từng bước xã hội hóa nghề rừng; khai thác tối đa giá trị từ rừng thông qua việc phát triển nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ, trồng cây dược liệu, dịch vụ môi trường rừng; khai thác hiệu quả rừng cho phát triển du lịch sinh thái nhằm tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhằm nâng cao chất lượng các loại rừng, ngành Lâm nghiệp tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng các giải pháp lâm sinh như trồng mới, trồng bổ sung theo đám, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, giao khoán bảo vệ nhằm tăng độ che phủ rừng. Các đơn vị chủ rừng đẩy mạnh ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic information system), ảnh viễn thám, công nghệ thông tin trong điều tra rừng, quản lý, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, giám sát đa dạng sinh học, phòng cháy, chữa cháy rừng. Ninh Thuận tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình, dự án chuyển giao khoa học công nghệ, nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học, hợp tác trong lĩnh vực phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Tỉnh hiện có trên 196.828 ha rừng và đất lâm nghiệp phát triển rừng; trong đó, diện tích rừng và đất rừng phòng hộ trên 125.969 ha, rừng và đất rừng đặc dụng trên 41.626 ha, rừng và đất rừng sản xuất hơn 29.232 ha. Năm 2022, địa phương đã trồng mới gần 1.000 ha rừng phòng hộ, đặc dụng; chăm sóc diện tích rừng trồng phòng hộ, đặc dụng trong giai đoạn đầu tư gần 1.800 ha; giao khoán bảo vệ rừng chuyển tiếp trên 67.590 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 3.697 ha rừng tự nhiên. Nhờ đó, chất lượng rừng được cải thiện, nhiều diện tích rừng nghèo kiệt được phục hồi, tỷ lệ che phủ đạt 47,11%.

Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm