Long An trồng mới 650 ha rừng tập trung trong năm 2023

Long An trồng mới 650 ha rừng tập trung trong năm 2023

Theo ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng và cây phân tán để lâm nghiệp góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, tỉnh sẽ trồng mới 650 ha rừng tập trung trong năm 2023.

Long An trồng mới 650 ha rừng tập trung trong năm 2023 ảnh 1Du khách trải nghiệm không gian khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen tại xã Vĩnh Lợi (Tân Hưng, Long An). Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Theo đó, Long An sẽ trồng 150 ha rừng đặc dụng tại Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen trồng (huyện Tân Hưng), Khu Bảo tồn đa dạng sinh học - cây Dược liệu Đồng Tháp Mười (huyện Mộc Hóa) và rừng phòng hộ biên giới huyện Thạnh Hóa; phòng hộ biên giới; trồng lại sau khai thác 500 ha; đồng thời, tỉnh thực hiện trồng gần 1,6 triệu cây xanh và cây phân tán các loại.

Để đạt chỉ tiêu đề ra, tỉnh yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương liên quan tập trung đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng giúp người dân hiểu hiệu quả thiết thực của trồng rừng, trồng cây gây rừng bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên phải thực hiện trong mùa khô hàng năm; thực hiện đúng quy định pháp luật, của nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng.

UBND tỉnh Long An yêu cầu các tổ chức có rừng, UBND cấp huyện có rừng xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định phòng cháy, chữa cháy rừng của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp để đảm bảo bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có do địa phương quản lý. UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức quản lý phần đất công và giao khoán cho các tổ chức, đoàn thể, hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán bảo vệ trồng, chăm sóc....

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, phát triển cây lâm nghiệp, đặc biệt là rừng đặc dụng góp phần bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen của các loài động, thực vật, đảm bảo tính đặc hữu, bảo vệ các loài sinh vật dưới tán rừng và rừng phòng hộ vùng biên giới; đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiện Long An có hơn 21.800 ha rừng; trong đó, rừng đặc dụng trên 1.800 ha, rừng phòng hộ hơn 2.000 ha, rừng sản xuất gần 18.000 ha.

Thanh Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm