Ngày 21/2, Lễ phát động trồng rừng ven biển trong chương trình "Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic" đã diễn ra tại ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu). Chương trình do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Panasonic Việt Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu phối hợp thực hiện.
Tại chương trình, đại diện Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường trao tặng tỉnh Bạc Liêu 15.800 cây đước để cán bộ, nhân dân địa phương trồng tại rừng phòng hộ ven biển Đông, góp phần tăng diện tích rừng và tăng tỷ lệ che phủ rừng so với diện tích tự nhiên của tỉnh.
Theo Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Chương trình thực hiện trong năm 2022 - 2023, hướng đến công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu bằng việc trồng hàng trăm nghìn cây xanh trên quy mô toàn quốc, tập trung vào các khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Các loại cây được lựa chọn trồng với tiêu chí tối ưu hóa hấp thụ lượng CO2, góp phần phủ xanh các khu vực đồi núi trọc, bảo tồn hệ sinh thái địa phương.
Với thông điệp "Vì một Việt Nam xanh khỏe mạnh", Chương trình đặt mục tiêu mang đến cho cộng đồng nhận thức và sự lan tỏa về vấn đề bảo vệ môi trường, giảm biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021 tổ chức tại Anh.
Theo Quyết định 319, ngày 2/3/2022 về việc Công bố hiện trạng rừng tỉnh Bạc Liêu năm 2021 của Chủ tịch UBND tỉnh, địa phương có hơn 5.562 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng đặc dụng 278 ha, rừng phòng hộ 4.278 ha. Bạc Liêu đã trồng được trên 2.581 ha rừng, trong đó rừng đặc dụng và rừng phòng hộ chiếm 72,5% (với gần 1.871 ha).
Tại chương trình, ông Lê Chí Linh, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu cho biết, trước đây, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tình trạng chặt phá rừng trái phép làm đất sản xuất thường xuyên diễn ra. Những năm gần đây, công tác tuần tra, kiểm tra được triển khai thường xuyên, kết hợp với tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng. Từ đó, người dân sống trong rừng và ven rừng ngày càng nâng cao ý thức, cùng chung tay bảo vệ rừng. Đặc biệt, việc xây dựng có hiệu quả các mô hình sản xuất kết hợp với bảo vệ rừng đã giúp cho các hộ nhận giao khoán đất rừng có cuộc sống ngày càng được đảm bảo, rừng cũng được bảo vệ tốt hơn.
Để nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu sẽ thường xuyên kết hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng theo các quy định của pháp luật. Đơn vị sẽ tham mưu với cấp có thẩm quyền mời gọi các nhà đầu tư có đủ điều kiện và nguồn lực vào đầu tư, hợp tác, liên kết kinh doanh du lịch sinh thái nhằm tạo việc làm và thu nhập cho cộng đồng địa phương. Qua đó, nâng cao nhận thức của cả người dân và khách du lịch về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường rừng ngập mặn ven biên của Bạc Liêu.
Tuấn Kiệt