Theo Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020” sẽ thực hiện bảo vệ 310.695 ha rừng hiện có; phục hồi 9.602 ha rừng kém chất lượng (bình quân 1.600ha/năm); trồng rừng mới 46.058ha (bình quân 7.676 ha/năm). Như vậy, nhiệm vụ còn lại từ năm 2018 đến 2020 của Đề án là bảo vệ tốt 311.551 ha rừng ven biển hiện có; tiếp tục trồng 43.275 ha rừng ven biển, gồm: trồng mới 28.643 ha rừng phòng hộ, đặc dụng, 8.216ha rừng sản xuất và trồng bổ sung phục hồi 6.406 ha rừng phòng hộ ven biển.
Trồng rừng ngập mặn ven phá Tam Giang thuộc huyện Quảng Điền. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Tuy nhiên, với kết quả thực hiện thời gian qua, kế hoạch trồng rừng năm 2018 của các địa phương và tình hình bổ sung, huy động vốn các dự án ODA, dự án mở mới thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 còn rất khó khăn và hạn chế, nên mục tiêu trồng tiếp 43.275 ha rừng ven biển đến năm 2020 theo Đề án là khó khả thi. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép điều chỉnh giảm mục tiêu trồng rừng giai đoạn 2015-2020 của Đề án phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương theo kế hoạch trung hạn và các dự án đã được phê duyệt thực hiện giai đoạn 2015-2020. Cụ thể, điều chỉnh giảm chỉ tiêu trồng rừng ven biển giai đoạn 2015-2020 xuống còn 25.085 ha (giảm 30.575 ha so với Đề án); trong đó, giai đoạn 2015-2017 đã trồng 12.385 ha; giai đoạn 2018-2020 tiếp tục trồng 12.700 ha rừng ven biển. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan phân bổ vốn đầu tư đầy đủ, kịp thời cho các dự án trồng rừng ven biển đã được duyệt thuộc Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020; Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 theo kế hoạch đầu tư công…
Rừng trồng ngập mặn ven phá Tam Giang thuộc huyện Quảng Điền. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Cùng với đó là sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư, phân bổ vốn đối với các dự án khởi công mới theo danh mục dự án ưu tiên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 730/TTg-NN ngày 26/5/2017. Xem xét gia hạn vốn đầu tư thực hiện các Dự án trồng rừng ven biển năm 2017 chuyển sang năm 2018 đối với các tỉnh được phân bổ vốn muộn, triển khai không kịp kế hoạch, thời vụ trồng rừng. Các đơn vị tiếp tục huy động, kêu gọi vốn ODA, vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân… để tăng nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng ven biển. Đối với các tỉnh, thành phố ven biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn vị là chủ đầu tư thực hiện các dự án đảm bảo đúng kế hoạch đã được phê duyệt. Coi việc quản lý, bảo vệ rừng ven biển là nhiệm vụ đặc biệt ưu tiên trong Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển sang mục đích khác; không chuyển loại rừng đặc dụng ven biển sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất; hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển để sản xuất kinh doanh, làm suy giảm diện tích và chất lượng rừng. Theo số liệu rà soát, báo cáo của các tỉnh đến tháng 12/2017, diện tích rừng và đất lâm nghiệp ven biển toàn quốc là 469.170 ha; trong đó 311.551 ha có rừng, 157.619 ha chưa có rừng. So với diện tích trong Đề án (số liệu năm 2014), tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp ven biển năm 2017 tăng 82.127 ha.
Bích Hồng