Ninh Thuận mở hướng phát triển chuỗi giá trị cho sản phẩm OCOP

Ninh Thuận mở hướng phát triển chuỗi giá trị cho sản phẩm OCOP

Để thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh ngày một phát triển, lan tỏa rộng khắp ở thị trường trong và ngoài nước, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung tổ chức lại sản xuất, xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu một cách bài bản gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, tăng tính liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông hộ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao tính cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
                    
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, trước mắt tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình OCOP các cấp theo hướng kế thừa và phát triển trên cơ sở bộ máy đã được xây dựng giai đoạn 2018 - 2020 đảm bảo đồng bộ, thống nhất về vị trí, chức năng, nhiệm vụ.

Ninh Thuận mở hướng phát triển chuỗi giá trị cho sản phẩm OCOP   ảnh 1 Các hợp tác xã đầu tư phát triển trồng dưa lưới trong nhà màng ở huyện vùng cao Bác Ái (Ninh Thuận). Ảnh: Công Thử - TTXVN

Hàng năm, UBND tỉnh sẽ tổ chức rà soát, kiện toàn hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và tổ giúp việc hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP để đảm bảo công tác đánh giá đạt hiệu quả, đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế.

Tỉnh cũng ưu tiên đầu tư hợp lý cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất tăng cường liên kết bền vững, phát huy khả năng truy xuất nguồn gốc giữa chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP với vùng nguyên liệu.

Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: Để phát huy vai trò của các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP, UBND tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất theo quy định pháp luật để hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động gắn với chuỗi liên kết giá trị sản phẩm OCOP. Cùng đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm.

Ninh Thuận mở hướng phát triển chuỗi giá trị cho sản phẩm OCOP   ảnh 2 Các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tập trung cải tạo, mở rộng diên tích vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP ở huyện vùng cao Bác Ái (Ninh Thuận). Ảnh: Công Thử - TTXVN

Tỉnh cũng sẽ xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP; tăng cường chuyển đổi số trong Chương trình OCOP; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, huy động nguồn vốn thực hiện Chương trình OCOP; rà soát, ban hành nội dung, chính sách, mức hỗ trợ Chương trình OCOP theo từng hạng sao. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm, hướng dẫn, xây dựng hồ sơ sản phẩm… gắn với tăng cường kiểm tra quy trình sản xuất, bảo quản và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Ngoài việc nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng (đạt 3 sao trở lên) gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tỉnh Ninh Thuận sẽ xây dựng tiêu chuẩn và thử nghiệm, phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn với thị trường xuất khẩu dựa trên lợi thế đặc hữu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng khu vực.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương, bao gồm các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương; đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn. Đồng thời, phát triển các sản phẩm mới hình thành dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, nền tảng lợi thế của địa phương, có chất lượng nổi trội, đặc sắc.

Trên cơ sở đó, tỉnh Ninh Thuận chú trọng phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, gồm nhóm thực phẩm nông, thủy sản tươi sống, sơ chế, chế biến và các thực phẩm khác; nhóm đồ uống có cồn, đồ uống không cồn; nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; nhóm hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may, thêu ren… làm đồ lưu niệm, đồ trang trí, đồ gia dụng; nhóm sinh vật cảnh như hoa, cây cảnh, động vật cảnh và nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương theo hướng phát huy nội lực để gia tăng giá trị gắn với phát triển cộng đồng...

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, mục tiêu mà tỉnh đặt ra đó là đến năm 2025 toàn tỉnh có từ 120 - 140 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, phấn đấu có từ 2 - 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Ngoài ra, tỉnh củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn và ưu tiên phát triển các hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa; phấn đấu có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 40% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỉnh phấn đấu 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.

Đồng thời, tỉnh phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương; 100% cán bộ quản lý nhà nước Chương trình OCOP các cấp được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức các chuyên đề thuộc Chương trình OCOP; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; phấn đấu có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Công Thử

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm