Tại Ninh Thuận, việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết đang được xem là hướng đi mới đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp giúp gia tăng năng suất, chất lượng và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
Thay đổi hướng sản xuất
Xã Phước Chính, huyện miền núi Bác Ái có gần 150 ha đất lúa, phần lớn bà con đồng bào Raglai canh tác theo kiểu truyền thống manh mún, kỹ thuật canh tác còn hạn chế nên năng suất, sản lượng lúa đạt thấp. Để tạo ra vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, địa phương triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa theo hướng VietGAP.
Chị Chamaléa Thị Hiền (thôn Suối Khô, Xã Phước Chính) là một trong những hộ đầu tiên tham gia liên kết sản xuất lúa với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Chính cho biết, gia đình có 3 sào ruộng (3.000 m2) ban đầu chị cũng e ngại vì kỹ thuật chăm sóc đều mới mẻ. Tuy nhiên, được hợp tác xã cung ứng giống lúa mới, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật canh tác chị đã áp dụng làm theo nên nhờ đó năng suất lúa đạt cao hơn so với cách làm truyền thống; sản phẩm được hợp tác xã bao tiêu thu mua với giá cao hơn ngoài thị trường cùng thời điểm nên yên tâm sản xuất.
Bà Cao Thị Thanh Huyền, Quản lý Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Chính cho biết, lúc đầu chỉ có khoảng 20 hộ tham gia với diện tích khoảng 27 ha. Sau 2 năm thử nghiệm, mô hình liên kết trồng lúa không chỉ nâng cao năng suất, sản lượng mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con. Đến nay, số hộ liên kết đã tăng lên 70 hộ, mỗi vụ sản xuất từ 35-50 ha với hai giống lúa chủ lực là Đài Thơm 8 và giống gạo dẻo địa phương, mỗi vụ cung ứng ra thị trường trên 20 tấn gạo.
"Nhờ áp dụng khoa học – kỹ thuật vào canh tác giúp năng suất lúa thu hoạch đạt trên 5 tấn/ha cao hơn khoảng 1 tấn so với cách làm trước đây của bà con. Hợp tác xã bao tiêu thu mua lúa cao hơn giá thị trường từ 200 – 300 đồng/kg. Sắp tới, hợp tác xã sẽ mở rộng diện tích sản xuất, đầu tư nhà máy xay xát, kho xưởng nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho các khách hàng ở trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, chứng nhận hồ sơ để đăng ký sản phẩm gạo Phước Chính đạt tiêu chuẩn VietGAP và chứng nhận sản phẩm OCOP nhằm quảng bá sản phẩm gạo sạch của địa phương, giúp bà con nâng cao thu nhập", bà Huyền chia sẻ.
Không chỉ liên kết với các hợp tác xã, nhiều hộ dân ở Ninh Thuận cũng đang đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp. Anh Dương Đình Hiển (xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn) cho biết, cách đây 3 năm trang trại liên kết với công ty trồng 27 ha chanh không hạt theo tiêu chuẩn GlobalGAP, mỗi ha chanh anh đầu tư khoảng 200 triệu đồng. Cây chanh ở trang trại được trồng theo hàng với mật độ 400 cây/ha và được phân thành từng lô để dễ chăm sóc, thuận tiện đưa máy móc vào canh tác cũng như theo dõi, đánh giá chất lượng sản phẩm.
Cây chanh không hạt cho quả quanh năm, khoảng 20 ngày thu hoạch một lần với sản lượng từ 4 – 15 tấn quả. Chanh được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP được công ty ký hợp đồng thu mua xuất khẩu sang thị trường Hà Lan nên đầu ra và giá cả luôn ổn định. Mỗi ha chanh không hạt cho doanh thu bình quân khoảng 400 triệu đồng/năm. Sắp tới, anh sẽ thành lập hợp tác xã, đồng thời liên kết với nông dân trên địa bàn chuyển đổi diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng chanh không hạt nhằm cải thiện thu nhập cho bà con, anh Hiển cho hay.
Thời gian qua, để gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản, tỉnh Ninh Thuận đã chú trọng xây dựng các chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất; đến nay toàn tỉnh xây dựng được 31 cánh đồng lớn trồng lúa, nho, măng tây, hành tím, ngô giống với tổng diện tích trên 4.242 ha. Đồng thời, thực hiện 57 liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất lúa, ngô giống, nho, măng tây, nha đam, tỏi, ớt, hành tím, đậu xanh, chanh dây, kiệu; liên kết sản xuất và tiêu thụ điều, mía và liên kết tiêu thụ sắn với tổng diện tích 14.267 ha. Bên cạnh đó, các địa phương hình thành nhiều mô hình liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm cừu, dê, bò với cơ sở giết mổ.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp địa phương, tham gia vào chuỗi liên kết, người dân không chỉ được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn mà giá trị thu được của các mô hình liên kết cũng cao hơn từ 15 - 20% so với sản xuất truyền thống, hạn chế được tình trạng được mùa, mất giá. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn nguyên liệu sản phẩm, chất lượng được quản lý. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp tham gia liên kết đã đưa sản phẩm vào chuỗi hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ tại các tỉnh, thành góp phần tạo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng.
Thúc đẩy liên kết sản xuất
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết đóng vai trò quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trước những biến động của thị trường.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc liên kết sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định. Mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản vẫn còn ít, sản phẩm chưa tiêu thụ được nhiều. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ gây khó khăn trong việc ký kết hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu hàng hóa đầu ra với quy mô lớn còn gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến các doanh nghiệp chế biến, phân phối hoặc bao tiêu sản phẩm khó có thể ký kết hợp đồng đơn lẻ với hàng trăm hộ nông dân với quy mô sản xuất và trình độ canh tác khác nhau.
Ngoài ra, một số sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ vẫn bị cạnh tranh thiếu lành mạnh về giá bán với các sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Do vậy, sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa tác động mạnh tới người sản xuất để mở rộng và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi. Một số loại nông sản đã có chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu nhưng mới dừng lại ở việc sơ chế và tiêu thụ, chưa có chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm thương mại.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, để góp phần giúp chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phát triển bền vững, thời gian tới Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Trong số đó, tập trung xây dựng các vùng trọng điểm sản xuất cây trồng, vật nuôi, cánh đồng lớn theo hướng chuyên canh, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao. Đồng thời, Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, nâng cao quy mô kinh tế trang trại để làm đầu mối kết nối với doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Cùng đó, Ninh Thuận khuyến khích, có chính sách thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; kết hợp tăng cường hướng dẫn, tập huấn các hộ nông dân đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản để nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu để góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Qua đó, đưa các mối liên kết trong sản xuất ngày càng phát triển theo chiều sâu, bền vững hơn.
Nguyễn Thành