Ninh Bình ứng dụng công nghệ số thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất lúa

Ninh Bình ứng dụng công nghệ số thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất lúa

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức ứng dụng công nghệ số thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất lúa nhằm mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, đáp ứng các nhu cầu sử dụng thiết bị công nghệ số gắn với máy nông nghiệp phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.

Ninh Bình ứng dụng công nghệ số thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất lúa ảnh 1Các đại biểu xem trình diễn máy cấy không người lái trên đồng lúa xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Các đại biểu đã có nhiều tham luận về thực trạng, tình hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa; các lợi ích, hiệu quả, thuận lợi trong việc thực hiện các chính sách, cơ chế thúc đẩy phát triển cơ giới hóa tại Ninh Bình. Đồng thời, ứng dụng công nghệ đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ mở rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với gieo mạ khay, cấy máy để giúp người dân tiếp cận với sản xuất an toàn và bền vững dần hình thành vùng hàng hóa sản xuất lúa hữu cơ để đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng cao. 

Ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết, bên cạnh việc giới thiệu thiết bị kỹ thuật, công nghệ mới, Ban tổ chức cùng các đơn vị quản lý coi đây là cơ hội để cùng tiếp xúc với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác cũng như các đơn vị đang sản xuất cùng bàn thảo đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp trong thời gian tới.

Hàng năm, với diện tích gieo cấy gần 80.000 ha, lúa vẫn được xác định là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Vì vậy việc hình thành chuỗi liên kết đồng bộ trong sản xuất lúa gạo là hết sức cần thiết, ứng dụng cơ giới hóa và ứng dụng số hoá vào từng khâu sản xuất, đẩy nhanh tiến trình tự động hoá, giảm bớt sử dụng sức lao động trực tiếp là một xu thế tất yếu để phát huy tối đa lợi thế và tiết kiệm chi phí, nâng cao hơn nữa thu nhập cho người trồng lúa.

Ninh Bình ứng dụng công nghệ số thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất lúa ảnh 2Các đại biểu xem trình diễn máy bay rải phân bón trên đồng lúa xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Đặc biệt, việc liên kết đồng bộ từ khâu làm đất, gieo mạ, cấy, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và gặt, sấy, xay sát đóng gói tạo ra sản phẩm... sẽ tiết giảm tối đa các chi phí trung gian, tổ chức sản xuất hợp lý sẽ tận dụng được tối đa nguồn nhân lực trong thời điểm lao động nông nghiệp thiếu hụt nhất là thời vụ gieo trồng và thu hoạch do sự chuyển dịch của một bộ phận nông dân ra thành thị và các khu công nghiệp.

Những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường hỗ trợ, đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp từ khâu gieo cấy, thu hoạch, sơ chế đến chế biến như: máy cấy, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy sấy, máy cuộn rơm... cho các hợp tác xã và bà con nông dân.

Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt trên 98%; gieo cấy gần 30%; chăm sóc, tưới trên 95%; phun thuốc bảo vệ thực vật 80%; thu hoạch đạt gần 95%... Chuỗi liên kết trong sản xuất lúa gạo đã được thực hiện thành công ở một số địa phương trong tỉnh, nhờ đó phát huy tối đa lợi thế, tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập cho nông dân, đặc biệt năng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

Theo ông Đinh Văn Khiêm, HĐND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022- 2025; trong đó, có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhất là ở 2 khâu còn yếu là gieo cấy và chế biến sau thu hoạch. Việc các địa phương cần làm hiện nay là đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, tạo thuận lợi cho việc đưa máy móc hiện đại vào sản xuất; tăng cường kết nối các tổ chức, cá nhân, hợp tác xã làm dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để xây dựng chuỗi cơ giới hóa nhằm tối ưu hóa công suất máy.

Dịp này, các đại biểu đã được thăm mô hình trình diễn máy bay rải phân bón và máy cấy không người lái trên đồng lúa xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Hải Yến

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm