Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Hồng

Nông dân huyện Kiến Xương (Thái Bình) sử dụng máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa vụ mùa. Ảnh: Ngọc Hà-TTXVN
Nông dân huyện Kiến Xương (Thái Bình) sử dụng máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa vụ mùa. Ảnh: Ngọc Hà-TTXVN

Ngày 27/6, tại tỉnh Hà Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng”.

Theo ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, với lợi thế của vùng Đồng bằng sông Hồng là thâm canh lúa, lúa đặc sản, có thị trường tại chỗ lớn, lao động nhiều, cơ sở hạ tầng phát triển. Hiện đại hóa sản xuất lúa thông qua việc đẩy mạnh “dồn điền đổi thửa”, quy hoạch lại đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, phát triển mô hình sản xuất cánh đồng lớn.

Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Hồng ảnh 1Nông dân huyện Kiến Xương (Thái Bình) sử dụng máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa vụ mùa. Ảnh: Ngọc Hà-TTXVN

Tuy nhiên, hiện nay mức độ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa trong vùng chỉ tập trung ở một số khâu như: làm đất, tưới tiêu (đạt trên 90%), phun thuốc bảo vệ thực vật 80%, thu hoạch 80%, vận chuyển đạt trên 75%. Một số khâu mức độ cơ giới hóa còn thấp như: cấy lúa bằng máy đạt khoảng 12%, sấy khoảng 20%. Mức độ cơ giới hóa sản xuất lúa tại một số khâu chưa đồng đều, tỷ lệ tổn thất trong khâu thu hoạch còn cao… Do vậy, việc đưa ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi từ khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc, bảo vệ thực vật đến thu hoạch, thu gom rơm rạ, bảo quản thóc gạo sau thu hoạch, hình thành nên các tổ dịch vụ, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trong sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Hồng là rất cần thiết.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa; thảo luận các nội dung: cơ chế chính sách của nhà nước về tính thực thi, sự nhất quán, tài chính, dồn điền đổi thửa, tổ dịch vụ, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và doanh nghiệp nông nghiệp; các tiến bộ kỹ thuật về cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Hồng; việc áp dụng phương châm “một vùng, một giống, một thời gian” để tăng tối đa diện tích ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo hướng hàng hóa…

Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Hồng ảnh 2Ông Hồ Phi Tuấn - Đại diện Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn phân tích thực trạng việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất tại đồng bằng sông Hồng. Ảnh: danviet.vn

Theo ông Hồ Phi Tuấn, Phó Trưởng phòng Cơ điện, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, để thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo cần tập trung đẩy nhanh dồn điền đổi thửa tạo điều kiện để áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất; tăng cường đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các vùng sản xuất lúa tập trung; hoàn thiện chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết, xây dựng các chuỗi sản xuất lúa gạo quy mô lớn; đầu tư, nghiên cứu phát triển các loại máy phù hợp với điều kiện sản xuất lúa gạo tại Đồng bằng sông Hồng nói chung, từng vùng nói riêng.

Bên cạnh đó, hỗ trợ các hộ thực hiện liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa tập trung, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất an toàn và cơ giới hóa đồng bộ. Đối với vùng chuyên canh, cần xây dựng và chuyên nghiệp hóa dịch vụ cho thuê máy, thiết bị sản xuất, tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ năng về vận hành, bảo dưỡng sữa chữa máy nghiệp cho người dân…

Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Hồng ảnh 3Cơ giới hóa trên những cánh đồng tại Hà Nam. Ảnh: danviet.vn

Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam cho biết, trong sản xuất lúa tại Hà Nam, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, bơm tưới đạt 100%; khâu thu hoạch lúa đạt trên 90%; áp dụng cấy máy đạt khoảng 15% diện tích; bảo quản sau thu hoạch đạt 5%. Từ việc giảm chi phí sản xuất khi sử dụng máy móc cơ giới nâng cao lợi nhuận lên từ 15-20% so với làm thủ công. Để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa, các địa phương cần xác định vùng sản xuất lúa tập trung để tiếp tục hoàn thiện, củng cố, phát triển mô hình cánh đồng mẫu gắn với xây dựng vùng nguyên liệu theo nhu cầu doanh nghiệp; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất trên đồng ruộng; đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ vốn vay mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi...

Diễn đàn giúp người nông dân hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, qua đó góp phần thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển ổn định, bền vững.

Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Hồng ảnh 4Tham quan mô hình sản xuất mạ khay tại huyện Thanh Liêm (Hà Nam). Ảnh: danviet.vn

Trước đó, các đại biểu đã đi tham quan mô hình sản xuất mạ khay cấy máy; cấy máy kết hợp sử dụng máy bay không người lái bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật tại huyện Thanh Liêm.

Nguyễn Chinh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm