Cơ giới hóa giúp nông dân Bình Phước giảm chi phí đầu tư

Cơ giới hóa giúp nông dân Bình Phước giảm chi phí đầu tư

Nhiều hộ dân trồng lúa nước tại huyện biên giới Lộc Ninh (Bình Phước) đã mạnh dạn sử dụng máy móc vào phục vụ sản xuất. Qua đó, việc cơ giới hóa đã giúp nhiều hộ dân giảm sức lao động, giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả thu nhập.

Cơ giới hóa giúp nông dân Bình Phước giảm chi phí đầu tư  ảnh 1Người dân ở ấp Bồn Xăng, xã Lộc Quang dùng máy gặt liên hoàn thay cho gặt bằng tay như trước đây. Ảnh: TTXVN phát

Cánh đồng 0,4 ha của gia đình ông Nguyễn Văn Buối ở ấp Bồn Xăng, xã Lộc Quang trước đây mỗi khi vào vụ thu hoạch phải thuê nhân công gặt bằng tay nên rất tốn chi phí. Thời điểm nhà nông đòng loạt vào vụ thu hoạch lại khăn hiếm nhân công, giá thuê lại cao hơn so với những ngày bình thường.

Theo ông Buối, người dân ở đây trồng lúa nước cách đây hai ba năm chủ yếu sản xuất theo cách truyền thống. Tuy nhiên, trước phát triển của tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, bà con đã mua máy cày, thuê máy gặt đập liên hoàn.

Ông Nguyễn Văn Buối cho biết, trước khi chưa dùng máy móc, bà con chủ yếu cày ruộng bằng sức trâu, gặt và gánh lúa bằng sức người nên rất tốn thời gian. Từ khi dùng máy cày đất, máy cắt lúa hiệu quả đem lại lợi nhuận cao hơn.

Việc cơ giới hóa giúp tiết kiệm thời gian, chi phí thuê nhân công và chi phí trong sản xuất giảm. “Giờ đây chỉ hơn một giờ đã được thu hoạch xong diện tích canh tác của gia đình, nhờ máy cắt lúa liên hoàn. Đồng thời, chi phí thuê máy cắt bằng nửa so với thuê nhân công gặt bằng tay như trước kia”, ông Buối phấn khởi.

Còn gia đình ông Nguyễn Hồng Phước ở ấp Việt Quang, xã Lộc Quang cũng đã sắm cho mình máy bay mini phun thuốc cho cánh đồng và phun cho các hộ có nhu cầu. Theo ông Phước, những năm canh tác lúa thường xuyên phun xịt thuốc cho đồng ruộng bằng bình đeo trên lưng gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Năm 2021, gia đình ông Nguyễn Hồng Phước quyết định chi số tiền khoảng 290 triệu đồng mua máy bay mini phun thuốc.

Cơ giới hóa giúp nông dân Bình Phước giảm chi phí đầu tư  ảnh 2Hộ gia đình ông Nguyễn Hồng Phước ở ấp Việt Quang, xã Lộc Quang đầu tư máy bay mini phun thuốc cho cánh đồng của gia đình và phun thuê cho người dân địa phương. Ảnh: TTXVN

Ông Phước cho biết, sau khi mua máy bay phun thuốc, ngoài việc phục vụ đồng ruộng cho gia đình, ông còn đi phun, xịt thuốc thuê cho các hộ trồng lúa trong xã và các vùng lân cận có nhu cầu. Phun, xịt thuốc bằng máy bay mini hiệu quả gấp 10 lần so với phun theo cách truyền thống trước đây. Việc dùng máy phun giúp người làm việc tránh xa các chất độc hại của thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn cho sức khỏe cho người lao động, giảm được nhân công lao động.

Hiện nay, xã Lộc Quang có gần 317 ha lúa sản xuất từ 2-3 vụ/năm. Đến nay, hầu hết các hoạt động sản xuất lúa của người dân trên địa bàn xã được cơ giới hóa bằng máy móc từ làm đồng đến vào vụ thu hoạch. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trồng lúa đã giảm đáng kể chi phí, tiết kiệm thời gian cũng như kịp thời vào vụ tiếp theo.

Chủ tịch UBND xã Lộc Quang Hoàng Anh Tính cho biết, trước đây, đa số bà người dân xịt thuôc bằng bình bằng tay. Đến nay, việc thu hoạch lúa bây giờ cũng được thực hiện bằng máy. Cơ giới rất khép kín, cắt lúa xong rồi quay lại cuốn rơm, đặc biệt rơm cũng cuốn bằng máy. Thu hoạch trọn gói từ ngọn đến gốc, do đó đều tận thu được hết sản phẩm.

Không chỉ xã Lộc Quang mà rất nhiều xã của huyện biên giới Lộc Ninh đã áp dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng xuất, giảm chi phí, đảm bảo an toàn sức khỏe trong lao động.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Lê Thị Ánh Tuyết cho biết, huyện Lộc Ninh có diện tích trồng lúa hơn 2.300 ha. Diện tích này đảm bảo an sinh xã hội cho bà con, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số khi mà họ có mảnh vườn trồng lúa đảm bảo đời sống nên không khó khăn trong việc thoát nghèo.

Huyện cũng có giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu hướng xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư làm sao đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và mời gọi các doanh nghiệp hỗ trợ đầu ra cho bà con trong thời gian tới đây.

Hiện người dân tại huyện biên giới huyện Lộc Ninh đang đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa nước. Qua đó, nhà nông không chỉ giải phóng sức lao động, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian mà còn sản xuất kịp thời vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước đây.



K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm