Phú Yên tái cơ cấu ngành lúa gạo qua ứng dụng cơ giới hóa, chọn giống

Phú Yên tái cơ cấu ngành lúa gạo qua ứng dụng cơ giới hóa, chọn giống

Vụ Đông Xuân 2022 - 2023, nhiều vùng canh tác tại tỉnh Phú Yên đạt năng suất 80 tạ/ha nhờ sử dụng giống lúa phù hợp. Cùng với đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, việc tuyển chọn các giống lúa phù hợp cho năng suất cao là những nội dung, nhiệm vụ quan trọng trong đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Phú Yên tái cơ cấu ngành lúa gạo qua ứng dụng cơ giới hóa, chọn giống ảnh 1Máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa tại xã Hòa Thành (thị xã Đông Hòa). Ảnh: Tường Quân – TTXVN

Theo đề án này, tỉnh Phú Yên sẽ đầu tư, hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Văn Minh cho biết, để thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo, UBND tỉnh đang kêu gọi một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành lúa gạo tại các địa phương trong tỉnh.

Các doanh nghiệp đầu tư hệ thống xay xát, chế biến và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo. Trên cơ sở này, ngành nông nghiệp Phú Yên sẽ hỗ trợ nông dân sản xuất các loại giống chất lượng cao và liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm và hướng đến xuất khẩu.

Phú Yên tái cơ cấu ngành lúa gạo qua ứng dụng cơ giới hóa, chọn giống ảnh 2Nông dân tỉnh Phú Yên thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2022 – 2023. Ảnh: Tường Quân – TTXVN

Thời gian qua, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa, nhất là khâu thu hoạch đã góp phần tiết kiệm chi phí khá lớn cho nông dân. Nếu thu hoạch lúa bằng gặt thủ công và suốt bằng máy, tỷ lệ hao hụt đạt tỷ lệ gần 15%. Thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, tỷ lệ hao hụt chỉ khoảng từ 3-4%, tiết kiệm 1 triệu đồng/ha so với thu hoạch bằng thủ công. Thu hoạch bằng máy liên hợp cũng giúp nông dân tận dụng nguồn rơm rạ để phục vụ chăn nuôi và một số hoạt động sản xuất nông nghiệp khác.

Như tại những cánh đồng thuộc khu vực cuối kênh Chính Nam, nông dân gieo trồng giống lúa IR 17494 (giống lúa Đà Nẵng), năng suất lúa đạt từ 75-80 tạ/ha. Đáng mừng là thương lái đến thu mua lúa ngay tại ruộng với giá 8.000 đồng/kg, cao hơn các giống khác 1.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Tấn Nghĩa ở phường Phú Lâm cho biết, vụ Đông Xuân 2022 - 2023 cho biết, ông gieo trồng 2ha giống lúa Đà Nẵng, thu hoạch với năng suất 75 tạ/ha. Với giá thương lái thu mua 8.000 đồng/kg, ông Nghĩa thu lãi gần 35 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí.

Phú Yên tái cơ cấu ngành lúa gạo qua ứng dụng cơ giới hóa, chọn giống ảnh 3Nông dân trông lúa trao đổi kinh nghiệm chọn giống lúa phù hợp cho năng suất cao. Ảnh: Tường Quân – TTXVN

Nhiều nông dân khác cho biết thêm, giống lúa Đà Nẵng rất phù hợp gieo trồng tại các cánh đồng thuộc xã Hòa Thành và phường Phú Lâm nên đạt năng suất cao. Gạo từ giống lúa này còn phù hợp để làm bánh tráng, làm bún nên được thương lái thu mua với giá cao. Do vậy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có thể quy hoạch thành vùng sản xuất lúa quy mô lớn, có chất lượng cao và xây dựng thành thương hiệu lúa gạo của tỉnh.

Vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023, tỉnh Phú Yên gieo sạ gần 27.000 ha lúa. Hiện nông dân đã thu hoạch được trên 90% diện tích, năng suất ước đạt 73,5 tạ/ha, tăng 8 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022. Một số khu vực tại thành phố Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa và huyện Phú Hòa, năng suất lúa đạt từ 77-82 tạ/ha.

Phú Yên tái cơ cấu ngành lúa gạo qua ứng dụng cơ giới hóa, chọn giống ảnh 4Thương lái đến thu mua lúa Đông Xuân của nông dân sau thu hoạch. Ảnh: Tường Quân – TTXVN

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên, năng suất lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023 đạt cao nhờ thời tiết thuận lợi, sản xuất đúng lịch thời vụ và nông dân gieo trồng các loại giống chất lượng, phù hợp. Ngoài giống IR 17494 cho năng suất cao tại xã Hòa Thành, thị xã Đông Hòa và phường Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa, nông dân các địa phương khác gieo trồng các loại giống lúa ngắn ngày, đảm bảo chất lượng, chống chịu sâu bệnh, hạn mặn như: ĐV 108, ML 48, Đài thơm 8, NAS1, TBR1, MT10, BDdR27… cũng cho năng suất cao.

Tại thời điểm thu hoạch lúa Đông Xuân 2022 - 2023, nông dân tỉnh Phú Yên gặp thời tiết bất lợi khi xuất hiện mưa giông ở một số vùng. Tuy nhiên, nhờ các hợp tác xã tổ chức tốt thu hoạch, đặc biệt phân bổ máy gặt và xe chuyên chở hợp lý, từ đó góp phần đảm bảo tiến độ đề ra, giảm thất thoát sản lượng cho người nông dân. Nhiều diện tích lúa ngã đổ cũng được các loại máy gặt tiên tiến thu hoạch đảm bảo.

Theo ông Hồ Lưu Quý, Phó giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Thắng 2 tại huyện Phú Hòa, việc triển khai thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023, hợp tác xã đã hợp đồng rất nhiều máy gặt trên địa bàn nên đã thu hoạch đảm bảo tiến độ cho nông dân. Nếu người dân dùng máy gặt thu hoạch, một cánh đồng sẽ mất khoảng từ 1-2 ngày, sau đó có thể tiến hành ngày vệ sinh đồng ruộng, cày ải, diệt trừ sâu bệnh, kịp thời sản xuất vụ Hè Thu.

Tường Quân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm