Nhằm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành các đề án, kế hoạch liên quan đến tái cơ cấu ngành lúa gạo; quản lý, giám sát mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Theo đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Phú Yên giữ ổn định 24.000 ha diện tích đất chuyên trồng lúa nước, diện tích gieo trồng khoảng 50.000 ha, sản lượng lúa 360.000 tấn. Diện tích gieo trồng lúa có liên kết sản xuất, tiêu thụ đạt trên 35%; lợi nhuận cho người trồng lúa trên 30%; giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa khoảng 5%...
Nhiệm vụ của đề án này còn tập trung thực hiện việc tổ chức lại sản xuất lúa gạo; trong đó, rà soát diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả tại các địa phương; đẩy mạnh chuyển sang trồng các loại cây có hiệu quả cao hơn, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương; đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi, hồ đập đảm bảo cung cấp đủ lượng nước phục vụ sản xuất lúa theo hướng thâm canh, hàng hóa.
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả đề án, tỉnh Phú Yên tập trung vào các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; xây dựng cánh đồng lúa có diện tích lớn.
UBND tỉnh Phú Yên cũng có chính sách về xây dựng thương hiệu, logo cho gạo Tuy Hòa; hình thành liên kết để xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo, tạo các chuỗi liên kết bền vững nhằm nâng cao giá trị của gạo Phú Yên, nâng cao thu nhập của người trồng lúa.
Để đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, tỉnh Phú Yên có kế hoạch thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, mã số cơ sở nuôi trồng thủy sản gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và theo hướng hữu cơ (Organic).
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, đạt 20-25% diện tích đất canh tác các sản phẩm nông sản xuất khẩu được cấp mã số vùng trồng; đạt 75% cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu được cấp mã số; đạt 20% cơ sở nuôi đối tượng thủy sản chủ lực/nuôi trồng thủy sản lồng bè được cấp mã số cơ sở... Đối với các xã được công nhận nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao có 50-60% sản phẩm nông nghiệp được lồng ghép thực hiện việc thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đang phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu đối với các sản phẩm có mã số vùng trồng đủ điều kiện.
Ngoài ra, các địa phương triển khai các giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực thông qua chương trình khuyến nông nhằm đào tạo trang bị kiến thức cơ bản cho tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị nông, thủy sản. Từ đây, người nuôi trồng, kinh doanh có thể tự xây dựng kế hoạch, thực hiện và giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo truy xuất nguồn gốc, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và theo hướng hữu cơ (Organic).
Phú Yên được biết đến với vùng đồng bằng Tuy Hòa rộng lớn nhất và năng suất lúa cao của khu vực Nam Trung bộ. Vùng miền núi của tỉnh có nhiều lợi thế để sản xuất nông nghiệp hữu cơ với các loại cây ăn quả, tiêu, cà phê... Với chiều dài bờ biển gần 190km, tỉnh Phú Yên thuận lợi trong nuôi trồng thủy sản và được mệnh danh là “thủ phủ tôm hùm” của cả nước....
Xuân Triệu