Những điều cần biết về vaccine Comirnaty của Pfizer-BioNTech

Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế ngày 19/7 vừa cho biết Pfizer đã đồng ý tăng số lượng vaccine COVID-19 cung cấp cho Việt Nam trong quý III, từ 3 triệu lên 3,5 triệu liều, và đồng ý bán thêm thêm 20 triệu liều trong năm 2021, nâng tổng số liều vaccine Pfizer dự kiến bán cho Việt Nam là 51 triệu liều, tăng 20 triệu liều so với kế hoạch.

Như vậy, ngoài 105 triệu liều đã cam kết, đã ký hợp đồng, 70 triệu liều đang đàm phán và có khả năng sẽ ký được thì dự kiến trong năm 2021 và đầu năm 2022, Việt Nam dự kiến có tổng cộng 175 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Việt Nam đặt mục tiêu đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng, khoảng 70% dân số được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Những điều cần biết về vaccine Comirnaty của Pfizer-BioNTech ảnh 1Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN


Dưới đây là những thông tin quan trọng bạn cần biết về vaccine Comirnaty của Pfizer-BioNTech

Vaccine Comirnaty của Pfizer-BioNTech là vaccine điều chế theo công nghệ mRNA. Vaccine mRNA giúp các tế bào cơ thể tạo ra một loại protein vô hại để kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể, tạo kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông qua chấp thuận sử dụng vaccine của Pfizer-BioNTech trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 31/12/2020. Đây là loại vaccine đầu tiên được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

Ngày 2/4/2021, Pfizer đã thông báo kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy vaccine này hiệu quả 95,3%, ngăn ngừa cả trường hợp nhiễm nCoV nghiêm trọng. Nghiên cứu công bố cuối tháng 6 cho thấy vaccine Pfizer có thể duy trì phản ứng miễn dịch chống lại nCoV trong nhiều năm. Vaccine này hiện được hơn 100 quốc gia trên thế giới cấp phép lưu hành và sử dụng.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện sử dụng vaccine Comirnaty của Pfizer-BioNTech cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Quyết định 2908/QĐ-BYT ngày 12/6/2021. Đây là vaccine thứ tư được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt khẩn cấp, sau AstraZeneca (Anh), Sputnik V (Nga) và Sinopharm (Trung Quốc).

Đối tượng tiêm vaccine Pfizer-BioNTech

Vaccine Pfizer-BioNTech được chỉ định tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên. Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21-28 ngày). Mỗi liều tiêm 0,3ml, tiêm bắp.

Hiệu lực bảo vệ trước tác nhân gây bệnh COVID-19 từ 95% đến 100% sau khi tiêm liều thứ 2 khoảng 7 ngày (theo kết quả nghiên cứu lâm sàng).

Hiện nay chưa có đầy đủ dữ liệu về khả năng sử dụng thay thế cho nhau của vaccine Comirnaty của Pfizer-BioNTech với những loại vaccine phòng COVID-19 khác. Bởi vậy nhà sản xuất khuyến cáo cần tiêm đủ 2 liều của cùng một loại vaccine phòng COVID-19. Và nên tiêm vaccine phòng COVID-19 tối thiểu cách 14 ngày với tiêm chủng các vaccine phòng bệnh khác.

Chỉ định tiêm vaccine đối với một số nhóm đối tượng đặc biệt

- Người có bệnh nền, bệnh mãn tính: có nguy cơ nhiễm cao và mắc COVID-19 nặng nên cần được tiêm vaccine; tuy nhiên trước khi tiêm cần được khám sàng lọc cẩn thận, tiêm chủng khi bệnh đã ổn định.

- Phụ nữ mang thai: không khuyến cáo tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai vì không đủ dữ liệu về rủi ro xảy ra ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, cân nhắc tiêm chủng nếu lợi ích của việc tiêm phòng vượt trội hơn các rủi ro tiềm ẩn của vaccine đối với phụ nữ mang thai. Không khuyến cáo phải thử thai trước khi tiêm chủng.

- Phụ nữ cho con bú: tiêm vaccine nếu thuộc nhóm đối tượng nguy cơ; không cần tạm ngừng cho con bú sau khi tiêm vaccine.

- Nhóm người bị suy giảm miễn dịch: có thể tiêm vaccine nếu thuộc nhóm nguy cơ. Cung cấp cho nhân viên y tế thông tin về tình trạng bệnh, điều trị để được tư vấn về lợi ích và rủi ro tiêm vaccine cũng như theo dõi, đánh giá sau tiêm.

- Nhóm người có bệnh tự miễn: có thể được tiêm chủng nếu không có các chống chỉ định tiêm vaccine.

- Nhóm người bị HIV: có thể tiêm vaccine nếu đã kiểm soát tốt bằng điều trị thuốc kháng virus và thuộc nhóm nguy cơ cần tiêm vaccine.

- Nhóm người có tiền sử liệt mặt: có thể tiêm vaccine nếu không có chống chỉ định.

- Nhóm người có tiền sử dùng kháng thể đơn dòng hoặc huyết tương của người bệnh để điều trị COVID-19 trước đó: tiêm vaccine ít nhất sau 90 ngày để tránh ảnh hưởng của việc điều trị tới đáp ứng miễn dịch do vaccine gây ra.

Chống chỉ định tiêm vaccine

- Có tiền sử phản ứng dị ứng (phản vệ) với bất cứ thành phần nào của vaccine Comminaty Pfizer-BioNTech COVID-19. Đặc biệt, không nên sử dụng cho những người có tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng với polyethylene glycol (PEG) hoặc các phân tử liên quan.

- Những người có phản ứng dị ứng ngay lập tức (phản vệ, nổi mày đay, phù mạch, suy hô hấp) với liều đầu tiên của vaccine này sẽ không tiêm liều tiếp theo.

Việc tiêm chủng vaccine Comminaty Pfizer-BioNTech tại Việt Nam

- Tổ chức khám sàng lọc trước tiêm chủng cho mỗi người đến tiêm để đảm bảo chỉ định đúng đối tượng và an toàn tiêm chủng.

- Chỉ định tiêm vaccine đối với những người có đủ điều kiện sức khỏe, không có điểm bất thường cần hoãn tiêm hoặc chống chỉ định. Thực hiện tiêm bắp, liều lượng 0,3ml cho 1 mũi tiêm. Mũi 1: tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên. Mũi 2: tiêm từ 3-4 tuần sau mũi 1.

- Chống chỉ định tiêm vaccine Comirnaty của Pfizer-BioNTech cho những người có tiền sử phản ứng nặng phản vệ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào; Có tiền sử phản ứng dị ứng (phản vệ) với bất cứ thành phần nào của vaccine Comirnaty của Pfizer-BioNTech. Đặc biệt, không tiêm vaccine cho những người có tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng với polyethylene glycol (PEG) hoặc các phân tử liên quan; Những người có phản ứng dị ứng ngay lập tức (phản vệ, nổi mày đay, phù mạch, suy hô hấp) với liều đầu tiên của vaccine này sẽ không tiêm liều tiếp theo.

Những người có chống chỉ định tiêm vaccine mRNA COVID-19 (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna) có thể tiêm loại vaccine COVID-19 khác. Theo Quyết định 3398/QĐ-BYT ngày 12/7/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn: “Trường hợp số lượng vaccine còn hạn chế thì ưu tiên sử dụng (vaccine Pfizer-BioNTech) để tiêm cho đối tượng đã tiêm mũi mũi thứ nhất vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần”.

Theo Bộ Y tế

TTXVN

Có thể bạn quan tâm