Nhiều công trình cấp nước kém hiệu quả khi người dân vẫn thiếu nước sạch tại Sơn La

Nhiều công trình cấp nước kém hiệu quả khi người dân vẫn thiếu nước sạch tại Sơn La

Hàng trăm công trình nước sinh hoạt tập trung được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hoạt động không hiệu quả, trong khi đó nhiều người dân vẫn thiếu nước sạch sinh hoạt. Đây là thực trạng của việc sử dụng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại nhiều nơi ở Sơn La. Người dân đã nhiều lần kiến nghị với cấp có thẩm quyền nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại bản Nong Xưa, xã Chiềng Hoa, huyện Mường La được đầu tư từ nguồn vốn thuộc Đề án 1460 của Chính phủ về “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình”. Mục tiêu ban đầu là cấp nước cho 175 hộ dân,1 trường học mầm non và 1 trường tiểu học trên địa bàn. Năm 2013, sau khi hoàn thành, công trình được bàn giao cho xã, bản quản lý. Tuy nhiên, công trình liên tục bị hỏng hóc và dừng hoạt động một thời gian ngắn sau đó.

Theo tìm hiểu, công trình cấp nước sinh hoạt tại bản Nong Xưa được đầu tư với nguồn vốn khoảng 3,4 tỷ đồng. Sau khi hư hỏng, công trình này tiếp tục được sửa chữa nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn đã không còn sử dụng được. Hiện nay, hệ thống các bể lọc, đường ống dẫn nước đã bị bỏ không.

Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Hoa Lò Văn Đăng cho biết, khi triển khai thi công, xã là đơn vị giám sát. Nguyên nhân dẫn đến công trình hư hỏng là do địa hình của xã chủ yếu là núi cao, đường ống đi qua nhiều dòng suối nên dễ bị hư hỏng khi thiên tai, mưa lũ. Ngoài ra, chất lượng thi công cũng không đảm bảo.

Hai bản Lũng Xá và Tà Dê, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ có một công trình cấp nước sinh hoạt do Trung tâm nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sơn La làm chủ đầu tư với tổng số tiền đầu tư hơn 6,6 tỷ đồng. Dự án được thực hiện với các hạng mục chính như khu vực trạm bơm và 2 bể chứa tổng dung tích 1.000 m3.

Công trình được bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2014. Khi mới triển khai, người dân địa phương đã kỳ vọng sẽ có nguồn nước sạch để sinh hoạt. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn khi dự án tiền tỷ này được bàn giao, công trình cấp nước đã phải ngừng hoạt động vì thiếu nước.

Ông Giàng A Dê, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông cho hay, người dân mong đợi được sử dụng nước sạch nhưng công trình này lại thiếu nguồn nước để hoạt động. Nhiều lần chính quyền đã kiến nghị về việc này nhưng vẫn không có nguồn nước để bổ sung. Đến bây giờ, người dân không trông chờ nữa.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với công trình cấp nước tại huyện Phù Yên. Vào năm 2013, gần 14.000 nhân khẩu trên địa bàn các xã Gia Phù, Tường Phù, Tường Thượng, huyện Phù Yên phấn khởi vì được đầu tư 1 công trình nước sạch từ ngân sách nhà nước trị giá 34 tỷ đồng. Nhưng chưa đầy 1 năm hoạt động, công trình này đã dừng hoạt động và bị bỏ hoang từ đó đến nay.

Bà Nguyễn Thị Tiên, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Nhọt 1, xã Gia Phù cho hay, tại cuộc họp tiếp xúc cử tri và Hội đồng nhân dân đã có ý kiến đề xuất tu sửa lại nguồn nước để cung cấp cho người dân. Nhưng các cơ quan chức năng mới tiếp thu ý kiến, chứ chưa kiểm tra hay khắc phục.

Là một trong những hộ dân từng nằm trong khu vực được cấp nước từ công trình của bản Nong Xưa, xã Chiềng Hoa, huyện Mường La, nhưng đến nay bà Quàng Thị È phải bỏ hàng chục triệu đồng để mua đường ống về để tự lấy nước sinh hoạt. Bà Quàng Thị È chia sẻ, năm 2013, gia đình bà cũng như hàng trăm hộ dân khác trong bản được lắp 1 cái trụ nước ở góc sân. Nhưng, sau khoảng một tuần sử dụng, nguồn nước từ trụ đã không còn. Từ đó đến nay, gia đình bà đã phải tự mua đường ống, dẫn nước trực tiếp từ đầu nguồn về để dùng.

Còn tại các bản Lũng Xá, Tà Dê, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ cũng diễn ra tình trạng tương tự. Hiện khu vực bể nước cũng như khu vực trạm bơm cũng đang bị bỏ hoang nhiều năm qua. Để có nước sinh hoạt, người dân phải tận dụng nước mưa. Hộ gia đình có điều kiện hơn thì thuê máy khoan giếng, sau đó chia sẻ cho người thân trong dòng họ hoặc bán cho các hộ có nhu cầu.

Anh Giàng A Cở - Phó trưởng bản Lũng Xá, xã Lóng Luông chia sẻ, khổ nhất là vào mùa khô hạn, người dân không có nước để dùng. Nếu mua nước từ nơi khác mang đến, mỗi chuyến phải mất gần 700.000 đồng, rất tốn kém.

Theo báo cáo của UBND huyện Vân Hồ, đến hết năm 2021, trên địa bàn huyện có 130 công trình cấp nước tập trung; trong đó, chỉ có 43 công trình hoạt động bền vững và tương đối bền vững; 22 công trình hoạt động kém hiệu quả; 65 công trình trình ngừng hoạt động.

Ông Nguyễn Quang Huấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ cho hay, đến nay có khoảng 50% các công trình đã được đầu tư trước 2015 gặp khó khăn trong duy tu, bảo dưỡng, do các vấn đề liên quan đến dự án xuống cấp, nguồn kinh phí hạn chế. Huyện đã báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành quan tâm đầu tư lại những công trình từ trên 20 năm để bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân.

Cơ quan chức năng đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các dự án hoạt động kém hiệu quả, ngừng hoạt động. Trong số đó có các nguyên nhân chính như: khảo sát thiết kế chưa đánh giá đầy đủ lưu lượng nước vào các mùa khô, mùa mưa; giao tài sản công trình cho xã quản lý vận hành có những bất cập, quản lý vận hành tổ chức chưa chặt chẽ, đa phần chưa đảm bảo kỹ thuật cấp nước; mưa lũ gây thiệt hại công trình, nguồn nước cạn kiệt mùa khô thiếu nước cục bộ...

Do đó, việc đánh giá kỹ lưỡng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công cũng như thay đổi phương thức vận hành, quản lý sau đầu tư cũng đang là những vấn đề đặt ra để các công trình nước sinh hoạt tập trung phát huy được hiệu quả như thiết kế cũng như kỳ vọng của người dân hưởng lợi từ dự án.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2021, tỉnh Sơn La có 1.715 công trình cấp nước tập trung; trong đó, chỉ có 34 công trình hoạt động bền vững; 356 công trình tương đối bền vững; hơn 1.226 công trình kém bền vững. Đáng chú ý, có tới 331 công trình hiện không hoạt động.

Ông Trần Văn Hải - Phó giám đốc Trung tâm nước sạch – Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sơn La thông tin, để các công trình cấp nước hoạt động hiệu quả thì cần có giải pháp phù hợp với năng lực địa phương. Nếu chú trọng đề cao về chất lượng nước sạch, đưa ra giải pháp công nghệ phức tạp mà bên vận hành không đáp ứng thì hiệu quả sẽ không đáp ứng như mục tiêu ban đầu.

Hữu Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm