Nhằm chuẩn bị cho khả năng bùng nổ dân số già vào năm 2025, các doanh nghiệp công nghệ của Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng tính hiệu quả và giảm bớt nhân lực chăm sóc người già.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, dự báo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy, quốc gia này sẽ bùng nổ dân số già vào năm 2025, khi đó cứ 5 người sẽ có 1 người trên 75 tuổi. Vì thế, ngay từ bây giờ, nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản đã nắm bắt cơ hội đẩy nhanh kế hoạch ứng dụng công nghệ AI vào việc chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh có thể sẽ thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực trong lĩnh vực này.
Công ty Trinity, một doanh nghiệp chuyên sản xuất và bán các loại camera an ninh của Nhật Bản đã phát triển các sản phẩm hỗ trợ phát hiện những người già bị chứng mất trí nhớ dẫn đến đi lạc. Theo đó, các camera có sử dụng AI tích hợp dữ liệu thông tin cá nhân của từng người cao tuổi được lắp đặt xung quanh các viện dưỡng lão. Trong trường hợp một người mất trí nhớ đi ra khỏi viện dưỡng lão, ảnh và tên của người đó sẽ ngay lập tức được thông báo trên nhóm của nhân viên theo dõi trong ứng dụng LINE để kịp thời xử lý.
Theo đại diện của Công ty Trinity Takuya Kanematsu, việc sử dụng các camera này giúp giảm bớt số lượng nhân viên phải có mặt thường xuyên trong các cở sở chăm sóc người già, đồng thời cải thiện hiệu quả làm việc, nhất là thời gian xử lý tình huống. Dữ liệu của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cho thấy, trong năm 2021 có tới 17.636 trường hợp mất tích do chứng mất trí nhớ, con số cao nhất kể từ năm 2012, trong đó có 236 trường hợp người cao tuổi không thể tìm được trong vòng 3 năm.
Công ty Fujitsu cũng đang phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ AI vào phân tích cử động và cảnh báo té ngã đối với người cao tuổi trong các bệnh viện hoặc viện dưỡng lão. Theo đó, thiết bị này sử dụng sóng vô tuyến tần số cao để phân tích các cử động của người cao tuổi, từ đó đưa ra những cảnh báo về khả năng phát sinh té ngã, giúp các nhân viên chăm sóc rút ngắn được thời gian có mặt xử lý từ khi té ngã đến khi sơ cứu, tránh nguy cơ các chấn thương nghiêm trọng dẫn đến tàn tật.
Theo khảo sát của Hiệp hội bệnh viện toàn quốc Nhật Bản, trung bình có khoảng 290 trường hợp bệnh nhân cao tuổi té ngã mỗi tháng tại 18 bệnh viện được khảo sát, trong đó nhiều trường hợp đã để lại di chứng do không được phát hiện và can thiệp kịp thời.
Theo ông Nobuyuki, Trưởng Ban theo dõi các vấn đề người cao tuổi thuộc Viện Nghiên cứu tổng hợp Nhật Bản, ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân của nước này coi trọng việc đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Đây là một thị trường tiềm năng không chỉ trong nước mà còn ở nhiều nước khác cũng đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Phạm Tuân