Nhân rộng mô hình trồng màu hiệu quả ở Tiền Giang

Để giúp nông dân vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh chuyển đổi sản xuất thành công cũng như nhân rộng những mô hình trồng màu hiệu quả kinh tế cao, thích ứng biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp các địa phương tỉnh Tiền Giang đã tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp thâm canh, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật vào đầu các vụ sản xuất. Từ đó, hướng bà con chọn giống tốt, sử dụng các giống rau F1 cho năng suất cao đưa vào sản xuất đại trà, đầu tư hệ thống tưới phun tự động, đầu tư trồng màu trong nhà màng, kỹ thuật tưới nhỏ giọt… nhằm giành những vụ màu bội thu.

Nhan rong mo hinh trong mau hieu qua o Tien Giang hinh anh 1Thu hoạch rau màu trong nhà lưới ở Hợp tác xã Hòa Thạnh (Gò Công Tây). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Đặc biệt, áp dụng IPM trên cây rau, trồng rau theo ngưỡng an toàn cho ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cho sức khỏe và môi trường… vừa giảm được chi phí sản xuất đầu vào. Đồng thời, nâng cao được hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội của các mô hình trồng màu thích ứng biến đổi khí hậu tại đây.

Trong các vụ sản xuất còn lại trong năm, các địa phương vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang phấn đấu trồng thêm trên 14.000 ha rau màu thực phẩm để đạt tổng diện tích cả năm trên 25.400 ha màu thực phẩm và tổng sản lượng năm 2022 gần 488.000 tấn như kế hoạch đề ra. Điều này, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bù đắp những thiệt hại do đại dịch ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội trong thời gian qua.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, các địa phương vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh đã trồng được trên 11.400 ha rau màu các loại, đạt trên 44% chỉ tiêu cả năm; trong đó, có gần 1.000 ha rau màu trồng trên chân ruộng. Nông dân đã thu hoạch đầu vụ được gần 10.000 ha với sản lượng rau màu các loại trên 196.000 tấn cung ứng thị trường.

Huyện Cai Lậy là địa phương có diện tích chuyển đổi trồng lúa độc canh sang luân canh rau màu theo mô hình 1 vụ lúa + 2 vụ màu hoặc 2 vụ lúa + 1 vụ màu lớn nhất khu vực. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, từ đầu năm đến nay, nông dân Cai Lậy đã trồng được 745 ha màu trên chân ruộng, thu hoạch đạt sản lượng trên 15.500 tấn rau màu các loại; trong đó, nhiều nhất là dưa hấu 420 ha, còn lại là các loại rau màu kinh tế khác như: dưa leo, đậu các loại...

Đáng mừng là tình hình tiêu thụ rau màu khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt và kiểm soát hiệu quả COVID-19 khá thuận lợi, các loại rau màu đều có giá, nông dân thu lợi nhuận cao. Nếu so với cây lúa năng suất cao thì trồng màu cho nông dân thu lợi nhuận từ 41,8 triệu đồng đến trên 82 triệu đồng/ ha tùy theo loại rau màu, cao gấp 1,7 lần đền 3,3 lần trồng lúa.

Minh Trí

Tin liên quan

Tiền Giang khuyến khích trồng rau màu theo ngưỡng an toàn

Cụ thể hóa mục tiêu tái cơ cấu sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, Tiền Giang khuyến khích nông dân mở rộng diện tích rau màu, nhân rộng mô hình luân canh, chuyên canh màu trên ruộng nhằm tạo cơ cấu sản xuất đa dạng và hiệu quả, nâng đời sống nhân dân các vùng nông thôn kh vực vùng sâu, xa.


Nông dân Tiền Giang chuyển đổi trồng rau màu để tránh thiên tai

Nhằm phòng tránh hạn mặn gây hại đồng thời cụ thể hóa chủ trương sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, trong vụ Đông Xuân 2017 – 2018, nông dân tỉnh Tiền Giang đã chuyển đổi trên 1.800 ha đất lúa ở những địa bàn khó khăn: ven biển, xa nguồn nước bơm tưới, đất gò cao trồng lúa kém hiệu quả, đất nhiễm phèn Đồng Tháp Mười,…sang trồng các loại rau màu kinh tế như: dưa hấu, bắp ăn, ớt, rau đậu các loại,…mang lại thu nhập cao vừa giảm nguy cơ thiên tai. Đời sống nhân dân do vậy ổn định.



Đề xuất