Một nghiên cứu mới cho thấy Australia đang đối mặt với một làn sóng tuyệt chủng các loài động, thực vật bản địa vào năm 2050.
Ngày 23/11, Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) và Trung tâm nghiên cứu giải pháp đối với các loài xâm lấn (CISS) công bố báo cáo nghiên cứu về tác động của các loài xâm lấn đối với các loài bản địa ở Australia. Báo cáo chỉ ra rằng hơn 80% thực vật, động vật và môi trường sống bị đe dọa tại quốc gia châu Đại Dương này chịu tác động của các loài xâm lấn. Ngoài ra, các loài xâm lấn cũng là một trong những nguyên nhân "xóa sổ" 79 loài động, thực vật bản địa kể từ khi người châu Âu đến Australia vào năm 1788. Theo báo cáo, thỏ, mèo hoang, lợn hoang và cóc lớn Nam Mỹ là những loài xâm lấn gây hại nhất ở Australia. Mối đe dọa từ các loài ngoại lai này càng trở nên nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu, khi các thảm họa thiên nhiên tạo cơ hội để các loài thú hoang sinh sôi.
Ước tính Australia đã chi 390 tỷ AUD (281,7 tỷ USD) kể từ năm 1960 để khắc phục những thiệt hại do các loài xâm lấn gây ra. Hiện tại mỗi năm nước này chi 25 tỷ AUD (18 tỷ USD) để ngăn chặn các loài này.
Đồng tác giả báo cáo, nhà khoa học Andy Sheppard tại CSIRO, nhấn mạnh: "Hành động khẩn cấp, quyết đoán và phối hợp đồng bộ là những yếu tố quan trọng để ngăn chặn sự lan tràn của các loài xâm lấn và bảo vệ các loài động, thực vật bản địa đặc biệt". Ông Sheppard khẳng định đó là cách duy nhất để ngăn chặn sự lây lan của các loài xâm lấn, bảo vệ các loài bản địa của Australia.
Theo ông Sheppar, việc phòng ngừa sẽ ít tốn kém và hiệu quả hơn việc cố gắng kiểm soát sự lan rộng của cỏ dại và các loài vật gây hại khi chúng đã xuất hiện. Ngoài ra, ông Sheppard nhấn mạnh Australia cần ứng dụng một cách an toàn các công nghệ mới, thúc đẩy hệ thống nghiên cứu và đổi mới an ninh sinh học cũng như tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển mang tính chiến lược và dài hạn.
Minh Tâm