Nỗ lực giải cứu loài chuột túi tí hon đang nguy cấp ở Australia

Nỗ lực giải cứu loài chuột túi tí hon đang nguy cấp ở Australia
Theo ước tính, hiện có chưa đến 2.500 cá thế chuột túi tí hon sống trong tự nhiên. Ảnh: www.abc.net.au
Theo ước tính, hiện có chưa đến 2.500 cá thế chuột túi tí hon sống trong tự nhiên. Ảnh: www.abc.net.au

Các nhà khoa học thuộc Đại học New South Wales (UNSW) đã bắt đầu triển khai chương trình nhân giống tại một vùng đất thấp của bang New South Wales, với hy vọng có thể tạo ra một quần thể ban đầu gồm 25 con chuột túi Mountain Pygmy Possum, đồng thời giúp chúng thích nghi với môi trường mới. Sẽ có thêm nhiều con chuột túi khác được đưa ra khỏi các vùng núi cao nóng bức để đến "nhà mới" nếu dự án thành công.

Dựa trên kết quả phân tích các hóa thạch niên đại 25 triệu năm, các nhà khoa học tin rằng môi trường sống của tổ tiên loài thú có túi tí hon Mountain Pygmy Possum ôn hòa và ít khắc nghiệt hơn so với ngày nay. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các loài thú có túi khác gần gũi với họ nhà chuột túi núi tí hon này từ lâu đã sống trong các khu vực như rừng nhiệt đới.

Mountain Pygmy Possum  thường được tìm thấy ở các vùng núi cao ở miền Nam Australia. Tuy nhiên, theo ước tính hiện có chưa đến 2.500 con sống trong tự nhiên. Lượng tuyết trong mùa Đông giảm và thời tiết nóng lên đang đẩy loài này trước nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra, loài chuột túi nhỏ bé này cũng đang bị đe dọa do nguồn thực phẩm chính của chúng sau thời gian ngủ đông là bướm đêm bogong đang cạn kiệt dần, do tác động của biến đổi khí hậu và hạn hán.

Nếu dự án thành công, các nhà khoa học Australia hy vọng các loài động vật đang nguy cấp khác của nước này có thể được giải cứu theo cách tương tự, trong đó có loài ếch Corroboree và rùa đầm lầy.
Phan An
TTXVN

Có thể bạn quan tâm