Thu hoạch đặc sản dâu xứ Truồi. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
Tháng năm, tháng sáu, khi tiếng ve gọi hè vang rền khắp nơi cũng là lúc các nhà vườn xứ Truồi bước vào vụ thu hoạch. Thời điểm này, những vườn dâu trong làng đều sai cành, trĩu quả. Những cành dâu khin khít trái, trái buông xuống đeo bám quanh thân cây, quả nào cũng tròn trĩnh. Quả dâu ở Truồi chỉ to bằng đầu ngón tay cái của người lớn. Ấy vậy mà cái vị ngọt thanh từ múi dâu trắng đục, mọng nước, hạt dẹp khiến người ăn nhớ mãi. Nếu là người "sành" ăn dâu thì sẽ biết chọn những trái dâu có chấm son. Trong một chùm dâu xanh pha sắc hồng, trái nào có chấm son thì ăn rất ngọt. Điều đặc biệt là dâu Truồi luôn có vỏ ngoài màu xanh dù bên trong đã chín. Khi ăn, thực khách chỉ cần bóc vỏ nhẹ nhàng sẽ lộ ra phần múi dâu mọng nước. Dâu có vị ngọt thanh, mới ăn có thể thấy chua nhưng khi ngấm dần mới cảm nhận được độ ngọt của nó. Du khách sau khi tham quan miệt vườn, có thể chọn dâu Truồi làm quà cho người thân.
Đặc sản dâu xứ Truồi. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
Điều đáng lưu ý, dâu Truồi không đơn thuần như những loại trái cây khác, mà gắn bó với người dân xứ Truồi xưa nay. Quả dâu thường được dùng làm quà để đi thăm người thân ở xa, học trò trong xứ cũng thường dùng dâu để biếu thầy cô giáo dịp hè. Ngoài ra, quả dâu còn là lễ vật cúng gia tiên của người dân xứ Truồi trong dịp tết Đoan Ngọ. Điều đặc biệt nữa là nếu dịp lễ ăn hỏi của nhà trai và nhà gái trúng vào mùa dâu chín thì quả dâu sẽ được chọn làm lễ vật với ý nghĩa độc đáo. Nếu nhà trai ở làng Truồi đi hỏi vợ làng khác thì người ta mang theo lễ vật, trong đó có một khay dâu chín để biếu nhà gái, với mong muốn chọn được cô dâu hiền thảo. Nếu như nhà trai ở nơi khác tới làng Truồi hỏi vợ thì nhà gái chọn những quả dâu có chấm son để mời họ hàng nhà trai với ý nghĩa chọn những quả ngon nhất để mời khách. Ấy vậy nên trong dân gian hiện vẫn còn truyền tụng câu ca: Năm xưa thầy mẹ bảo em/Chọn mua lấy quả dâu tiên xứ Truồi/ Để nhà anh tới chịu lời. Dâu Truồi đã đi vào đời sống tinh thần của người dân xứ Truồi như thế nên ai xa quê cũng nhớ vị dâu Truồi.
Hái dâu Truồi. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
Dâu Truồi được coi là loại trái cây có giá trị kinh tế, giúp người dân xứ Truồi tăng thêm thu nhập, bởi miệt vườn này còn nằm trên đường lên Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã - nơi được ví như non thiêng giữa hồ Truồi. Mới hình thành cách đây 4 năm, nhưng Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã đang là điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Tính từ Huế đi, khoảng 30 km về phía Nam, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã nằm trên một ngọn đồi giữa lòng hồ Truồi thuộc xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từ đây phải đi chừng 10 km nữa, du khách sẽ đến với khu du lịch Hồ Truồi nằm dưới chân dãy Bạch Mã hùng vĩ.
Được Hòa thượng Thích Thanh Từ sáng lập, Trúc Lâm Bạch Mã là ngôi thiền viện đầu tiên của miền Trung tiếp nối dòng thiền từ Trúc Lâm Yên Tử, Trúc Lâm Tây Thiên, Trúc Lâm Đà Lạt… Nhìn thoáng qua, du khách có thể nhận thấy cách kiến trúc khá giống nhau giữa các thiền viện vừa kể. Đường đến Thiền viện không quanh co, có thể đi bằng phà hoặc đi bằng các phương tiện cơ giới, vòng sau các ngọn đồi nhỏ đều có thể đến được. Đến với Trúc Lâm - Bạch Mã, du khách được thưởng thức một không khí trong lành, yên tĩnh. Bước vào cổng tam quan là đến lầu trống, lầu chuông nằm hai bên, ở giữa là một khoảng sân rộng trồng kỳ hoa dị thảo. Thiền viện có hai tầng, chánh điện nằm ở tầng trên. Khu tổ đường có tượng Bồ Đề Đạt Ma đứng giữa cao 3,5m, bên dưới là tượng ba vị tổ Trúc Lâm đang ngồi cao 2m. Tất cả đều bằng sa thạch. Khu chánh điện thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, bên phải chánh điện là nơi ở các tăng, ni. Tất cả đều in xuống lòng hồ trong xanh, lung linh bóng nước. Ngoài ba khu vực ngoại viện, tăng viện, ni viện, khách đứng trên cổng tam quan nhìn ra xa sẽ thấy hình một tượng Phật Thích Ca đang ngồi trên một đảo nhỏ xanh biếc giữa hồ Truồi thơ mộng...
Quốc Việt